Bộ GDĐT quy định từ ngày 15.10.2014, việc đánh giá học sinh tiểu học theo quy định mới: Thay vì chấm điểm, giáo viên (GV) sẽ ghi nhận xét đáng chú ý nhất về mức độ hoàn thành nội dung học tập với nguyên tắc coi trọng việc động viên học sinh (HS). Nhiều trường đã áp dụng phương pháp này theo tính chất thử nghiệm, nhưng khi bắt tay vào thực hiện, trong khi phụ huynh (PH) hoang mang, còn giáo viên thì quá tải.
Phụ huynh: Nhìn thấy điểm mới yên tâm
Với quy định mới này, PH học sinh vẫn theo thói quen phải nhìn thấy
điểm “rực rỡ” của con mới yên tâm, nên khi nhận được những dòng nhận xét
đâm ra hoang mang, không biết trình độ học tập của con đang ở “bậc”
nào. PH vẫn thích được chấm điểm, hoặc nếu có nhận xét thì phải đánh giá
sát sao hơn để giúp PH hình dung rõ về việc học của con và có điểm cụ
thể thì các con mới có động lực, ganh đua nhau để học tập.
Chị Ngọc Yến - PH có con học tại Trường Tiểu học Quang Trung (Q.Hoàn
Kiếm, Hà Nội) - cho rằng: Việc bỏ chấm điểm các lớp từ lớp 2 trở lên,
nếu không triển khai phương pháp đánh giá khác hiệu quả hơn, thì vô hình
trung sẽ mất động lực phấn đấu của HS. Con gái tôi học lớp 3, số môn
học khá nhiều và càng nhiều lên khi cháu lên lớp cao hơn. Nếu mọi ranh
giới bị xóa nhòa, đánh đồng thì không khéo ý thức phấn đấu của các con
sẽ giảm đi. Tôi cho rằng chỉ nên bỏ chấm điểm lớp 1, còn các lớp từ lớp 2
trở đi thì vẫn nên duy trì cách chấm điểm để các cháu có ý thức, nhìn
nhau phấn đấu!
Giáo viên: Gánh nặng dồn vai
Những chia sẻ của PH không phải không có lý, khi mà quá trình học tập
của con mình chỉ gói gọn vào những câu nhận xét rất chung chung của GV.
Hiện nay tại Hà Nội, một số trường như Tiểu học Quỳnh Mai, Tiểu học
Quang Trung… duy trì hình thức sổ liên lạc điện tử qua tin nhắn hằng
ngày hoặc hằng tuần, hằng tháng. Song theo nhiều PH, những đánh giá này
không thể cụ thể hóa hết quá trình rèn luyện của HS chỉ qua vài chục ký
tự nhắn tin. Sĩ số lớp quá đông, PH còn không gặp được cả GV để hỏi.
Phụ huynh lo lắng sĩ số đông, giáo viên khó đánh giá. |
Cô giáo Nguyễn Hải - GV lớp 2 thuộc một trường tiểu học ở TP.Vinh
(Nghệ An) - chia sẻ: Tuần vừa rồi đã mang bài tập của HS ra để chấm thử
theo phương pháp mới, thay vì chấm điểm. Tranh thủ một tiết trống vào
cuối buổi chiều, nhưng cô giáo chỉ kịp nhận xét được phân nửa trong số
hơn 40 bài tập môn toán. Cô giáo phân tích, bình thường nếu chấm điểm
thì ngay ở lớp đã có thể chấm khoảng 1/3 số bài tập với các HS hoàn
thành bài sớm. Số còn lại có thể chấm luôn vào các giờ giải lao để kịp
trả bài cho HS.
Với cách nhận xét mới, mỗi ngày GV phải mất ít nhất 1 tiếng ngoài giờ
để tập trung hoàn thành. Trong khi đó, với chương trình dạy học kín mít
hiện nay, GV chỉ có thể sử dụng thời gian ngoài giờ để làm công việc
này. Dẫu biết là GV sẽ vất vả hơn, tuy vậy tôi cho rằng nếu chương trình
dạy học vẫn quá nặng như hiện tại, sẽ là một áp lực không nhỏ cho GV
khi vừa giảng dạy, vừa phải bao quát kỹ lưỡng từng HS để có các đánh giá
sát sườn.
Theo Bộ GDĐT, nguyên tắc mới được áp dụng là vì sự tiến bộ của HS,
coi trọng việc động viên, khuyến khích tính tích cực và vượt khó trong
học tập, rèn luyện, giúp HS phát huy tất cả khả năng; đảm bảo kịp thời,
công bằng, khách quan. Kết hợp đánh giá của GV, HS và cha mẹ HS, trong
đó đánh giá của GV là quan trọng nhất. Tuy nhiên, để đảm bảo được nguyên
tắc này, Bộ GDĐT cần có các hướng dẫn thật cụ thể, cách làm thống nhất,
tránh gây quá tải cho GV và sự hoang mang đối với cha mẹ HS, bởi nếu
không sẽ vô tình gây tác dụng ngược khi mà HS sẽ chủ quan khi mọi ranh
giới của sự phấn đấu sẽ bị xóa mờ.
-----------------------------------------------------------------------------------