Thay vì chấm điểm thường
xuyên học sinh tiểu học để đánh giá kết quả học tập, giờ đây, với Thông
tư số 30, các em sẽ được đánh giá kết quả “học và hành” của nhà
trường, giáo viên (quan trọng nhất) và phụ huynh.
Năm học mới 2014 – 2015 đã chính thức
khai giảng trên toàn quốc vào đầu tháng 9, kèm theo đó đã có những thay
đổi tích cực của nền giáo dục nước ta. Bộ Giáo dục & Đào tạo
(GD&ĐT) mới đây đã chính thức công bố phương án một kỳ thi quốc gia.
Ở bậc tiểu học, từ năm học này Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Thông tư
số 30/2014/TT-BGDĐT “Quy định đánh giá học sinh tiểu học” với sự thay
đổi căn bản được xã hội chú ý.
Học sinh hệ tiểu học sắp tới thay vì được chấm điểm sẽ được “đánh giá”
Theo Bộ GD&ĐT, Thông tư số 30 mới
ban hành của Bộ GD&ĐT sẽ thay thế cho Thông tư 32 trước kia và chính
thức có hiệu lực từ ngày 15/10/2014. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là một
bước tiến quan trọng của Bộ GD&ĐT trong việc thay đổi kiểm tra đánh
giá học sinh ở bậc tiểu học. Thay vì chấm điểm thường xuyên học sinh
tiểu học để đánh giá kết quả học tập, giờ đây, với Thông tư số 30, các
em sẽ được đánh giá kết quả “học và hành” của nhà trường, giáo viên
(quan trọng nhất) và phụ huynh.
Trong Thông tư số 30 của Bộ GD&ĐT
nói rõ mục đích của việc đánh giá là giúp giáo viên điều chỉnh, đổi mới
phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động dạy học, hoạt động trải nghiệm
ngay trong quá trình và kết thúc mỗi giai đoạn dạy học, giáo dục. Bên
cạnh đó, kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ của học sinh để động
viên, khích lệ và phát hiện những khó khăn chưa thể tự vượt qua của học
sinh để hướng dẫn, giúp đỡ; đưa ra nhận định đúng những ưu điểm nổi bật
và những hạn chế của mỗi học sinh để có giải pháp kịp thời nhằm nâng cao
chất lượng, hiệu quả hoạt động học tập, rèn luyện của học sinh.
Tiếp đến, giúp học sinh có khả năng tự
đánh giá, tham gia đánh giá; tự học, tự điều chỉnh cách học; giao tiếp,
hợp tác; có hứng thú học tập và rèn luyện để tiến bộ. Các bậc phụ huynh
sẽ tham gia đánh giá quá trình và kết quả học tập, rèn luyện, quá trình
hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của con em mình. Giúp cán
bộ quản lý giáo dục các cấp kịp thời chỉ đạo các hoạt động giáo dục, đổi
mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá nhằm đạt hiệu quả giáo
dục.
Thông tư 30 với việc chỉ đánh giá chi
tiết đến toàn diện học sinh, cho thấy trách nhiệm của giáo viên sẽ rất
nặng nề. Cụ thể, trong quá trình dạy học, căn cứ vào đặc điểm và mục
tiêu của bài học, của mỗi hoạt động mà học sinh phải thực hiện trong bài
học, giáo viên tiến hành một số việc như quan sát, theo dõi, trao đổi,
kiểm tra quá trình và từng kết quả thực hiện nhiệm vụ của học sinh, nhóm
học sinh theo tiến trình dạy học. Đồng thời, nhận xét bằng lời nói trực
tiếp với học sinh hoặc viết nhận xét vào phiếu, vở của học sinh về
những kết quả đã làm được hoặc chưa làm được; mức độ hiểu biết và năng
lực vận dụng kiến thức; mức độ thành thạo các thao tác, kỹ năng cần
thiết, phù hợp với yêu cầu của bài học, hoạt động của học sinh; Quan tâm
tiến độ hoàn thành từng nhiệm vụ của học sinh; áp dụng biện pháp cụ thể
để kịp thời giúp đỡ học sinh vượt qua khó khăn. Hàng tuần, giáo viên
lưu ý đến những học sinh có nhiệm vụ chưa hoàn thành; giúp đỡ kịp thời
để học sinh biết cách hoàn thành. Sau đó, hàng tháng, giáo viên ghi nhận
xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục về mức độ hoàn thành nội dung
học tập từng môn học, hoạt động giáo dục khác; dự kiến và áp dụng biện
pháp cụ thể, riêng biệt giúp đỡ kịp thời đối với những học sinh chưa
hoàn thành nội dung học tập môn học, hoạt động giáo dục khác trong
tháng. Và điều quan trọng, Thông tư 30 cho biết, khi nhận xét, giáo viên
cần đặc biệt quan tâm động viên, khích lệ, biểu dương, khen ngợi kịp
thời đối với từng thành tích, tiến bộ giúp học sinh tự tin vươn lên.
Để được xác nhận hoàn thành chương trình
lớp học thì học sinh phải đạt điều kiện đạt điểm 5 trở lên ở các môn
học vào cuối năm học theo quy định, đạt mức độ hình thành và phát triển
năng lực, phẩm chất. Trường hợp học sinh chưa hoàn thành chương trình
lớp học, giáo viên phải lập kế hoạch, trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ từng
học sinh; đánh giá bổ sung để xét hoàn thành chương trình lớp học…
Theo anh Quang Tuấn (quận Cầu Giấy, Hà
Nội), Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT có ý nghĩa đặc biệt. Anh Tuấn cho
rằng, đây chính là sự đổi mới tư duy về việc quản lý chất lượng giáo
dục, hơn nữa, sự thay đổi chỉ là đánh giá đã giảm áp lực học tập cho các
em học sinh nên sẽ đẩy lùi việc dạy thêm học thêm. Và việc chạy theo
thành tích mà bỏ quên chất lượng vốn là vấn đề nan giải của chúng ta bấy
lâu nay. Học sinh tiểu học sẽ có cơ hội tự đánh giá bản thân và cả bạn
bè cùng trường lớp, sẽ “tiên học lễ, hậu học văn” để mai này trở thành
người có ích cho đất nước.
-----------------------------------------------------------------------------------