GS Hồ Ngọc Đại cho rằng: “Cần có một nền giáo dục mới. Một nền giáo dục buộc phải mới tận nguyên lý của nó. Một nền giáo dục tất yếu phải trở thành sự cứu nguy cho dân tộc, nơi trẻ em là những “Anh hùng thời đại”. Và một nền giáo dục không bị thần bí hóa bằng lời hô hào "sáng tạo" suông, mà là một nền giáo dục công nghệ hóa, có thể triển khai theo cái mẫu được các nhà khoa học tạo ra bằng thực nghiệm”. Chuẩn bị bước vào một năm học mới, PV Báo Lao Động đã có cuộc đối thoại với GS Hồ Ngọc Đại.
“Nếu nền giáo dục làm đúng thì 15 năm sau chúng ta có một dân tộc khác"
Năm nay đã gần 80 tuổi, có thể nói ông đã dành tâm huyết
cả đời mình cho ngành giáo dục. Có những công trình ông viết từ gần 40
năm trước giờ mới được công nhận, đưa vào giảng dạy. Vậy trong con mắt
của ông, nền giáo dục của chúng ta đứng ở đâu so với thế giới?
- Nếu so với thế giới, nền giáo dục của chúng ta quá lạc hậu. Tôi có
thể nói thế này: Vào thời điểm này từ cuộc sống, tất cả các ngành, các
nghề của con người và xã hội đã biến đổi rất lớn so với cách đây 15-20
năm, nhưng nghiệp vụ sư phạm của chúng ta thì từ nửa thế kỷ nay không
thay đổi gì cả. Thậm chí còn tệ hại hơn trước vì trước là thầy giảng,
trò ghi nhớ nhưng bây giờ là thầy đọc, trò chép.
Bộ GDĐT đã nhận thức được điều đó nên trong những năm gần
đây đã đưa ra hàng loạt phương án đổi mới giáo dục như 10+2 hoặc 9+3,
hoặc các phương án đổi mới SGK, đổi mới kỳ thi... đó cũng là cách đổi
mới đấy chứ?
- Với lực lượng hiện nay tôi không tin là làm được bởi bản chất vẫn
là xào xáo cái hiện có. Người ta thay ngôn từ này bằng ngôn từ khác cho
khéo léo hơn, lọt tai hơn nhưng bản chất không thay đổi gì vì tư duy và
trình độ không có gì thay đổi giống như cái cày chìa vôi thì dù cải tiến
bằng trời nó vẫn là cái cày chìa vôi. Cuộc đời tồn tại bằng sự vật vì
vậy muốn cải tiến thì hãy cải tiến từ sự vật, từ cuộc sống chứ không
phải bằng ngôn từ.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại |
Vậy theo GS, việc đổi mới phải từ đâu?
- Muốn đổi mới thì phải nhìn nhận lại tư duy triết học về giáo dục
bởi tư duy hiện nay về giáo dục là tư duy triết học học trò, triết học
thi cử, triết học sách giáo khoa mà đáng lẽ ra phải có cái nhìn triết
học bác học. Vấn đề nữa là tâm lý học giáo dục rồi mới đến khoa học
chuyên ngành.
Vấn đề triết học bác học về giáo dục là gì ạ?
- Đó là anh phải nhìn nhận đối tượng giáo dục mà bắt đầu từ trẻ em là
cái gì? Quan điểm của tôi về trẻ em thế này:“Trẻ em là mỗi người tự
sinh ra nó” bố mẹ sinh ra con là cho nó cái hình hài vật chất, còn quá
trình lớn lên là nó tự sinh ra nó. Vì vậy vai trò của giáo dục ở đây là
định hướng để họ phát triển và làm cho người nào trở thành chính con
người ấy, chứ không phải trở thành người khác.
Vậy có nghĩa là quá trình giáo dục là quá trình hướng cho đứa trẻ tự hoàn thiện mình?
- Đúng vậy. Chúng ta phải giáo dục sao cho trẻ em tiếp thu được nền
văn minh xã hội, phải tổ chức để người học tiếp nhận được điều đó. Tôi
vẫn muốn nhấn mạnh về việc ưu tiên giáo dục mầm non bởi đây là giai đoạn
hình thành nhân cách của trẻ. Ưu tiên trẻ con là ưu tiên dân tộc, vì
tương lai dân tộc. Nếu nền giáo dục này mà lành mạnh và làm đúng thì tôi
tin 10-15 năm nữa chúng ta sẽ có một dân tộc khác. Phương pháp của tôi
là dạy cho trẻ tự làm lấy hết mọi việc, khi con trẻ biết tự làm lấy mọi
việc thì sẽ tự tin. Khi đã tự tin thì sẽ tự trọng. Nếu một đất nước mà
công dân đất nước đó ai cũng tự tin và tự trọng thì đất nước đó vĩ đại
lắm. Muốn như thế thì phải đổi mới căn bản trong giáo dục. Nếu làm được
thì 10-15 năm nữa chúng ta có một dân tộc khác, một dân tộc đầy tự tin
và tự trọng.
Nền giáo dục toàn lý thuyết như vậy có phải là nguyên
nhân để đất nước ta có một số lượng tiến sĩ, cử nhân vô cùng lớn, nhưng
những công trình nghiên cứu của những tiến sĩ này đều không thể đưa vào
áp dụng trong thực tế, cử nhân thì không biết làm việc ?
- Đúng là nền giáo dục của chúng ta đã đẻ ra một hệ thống tiến sĩ “từ
chữ sang chữ, từ sách sang sách”. Cái gọi là công trình khoa học của
tiến sĩ ấy là chép từ sách này sang sách khác, hoàn toàn là những bản
photocopy lẫn nhau. Đây là trò chơi chữ nghĩa, trò chơi trong phòng thi,
trò chơi trong phòng kín giữa những nhóm người với nhau chứ không phải
từ cuộc đời mà ra. Cử nhân cũng vậy, ra trường không biết làm việc
không biết một nghề gì cụ thể. Tôi cho rằng nếu muốn cải cách giáo dục
hiệu quả thì việc cải cách đó phải từ cuộc đời mà ra.
-----------------------------------------------------------------------------------