Sáng sớm 9-7, thời tiết Hà Nội khá mát mẻ. Anh Bùi Văn Hoàng (Hòa Bình) có con thi vào khoa Luật Kinh tế - ĐH Luật cho biết, hai bố con khởi hành từ rất sớm cho yên tâm, tránh những sự cố đáng tiếc như tắc đường.
Tại khu vực đường Nguyễn Chí Thanh, nơi có nhiều điểm thi như Đại học Luật, Học viện Hành chính, Học viện Ngoại giao, ĐH Ngoại thương…, tình trạng tắc đường đã không xảy ra. Giao thông được phân luồng tốt.
Ngoài cổng trường, không khí có lẽ còn nóng hơn cả ở bên trong. Các phụ huynh sốt ruột, không muốn về chỗ trọ, túm tụm tâm sự và chia sẻ với nhau. Một phụ huynh ở Sông Đà, Hòa Bình cho biết, đây là giờ phút quyết định…cả đời của con. Vì vậy, dù khó khăn, nhưng gia đình không tính toán, dành hết khả năng và tài chính để lo cho con. “Phải bồi dưỡng nó ăn uống đầy đủ, thiếu thốn trả dần sau cũng được”, phụ huynh này nói.
Một phụ huynh khác tâm sự: “Gia đình chúng tôi cả họ đều làm nông nghiệp và không ai học quá cấp 3. Giờ đây, tất cả trông chờ vào con, vừa là niềm tự hào của gia tộc, vừa hy vọng nó sẽ giúp gia đình… thoát nghèo”.
Theo “truyền thống”, trong các đợt thi của khối C, thí sinh thường có xu hướng đem nhiều ‘‘phao’’ hơn các khối khác. Nắm được yếu tố này, Tiến sĩ Trần Quang Huy - Trường phòng Đạo tạo Đại học Luật Hà Nội, Hội đồng thi đã chuẩn bị cẩn thận và hết sức cảnh giác, đặc biệt là sau sự kiện đề toán bị nghi ngờ rò rỉ ra ngoài từ phòng thi. Chia sẻ kinh nghiệm của Hội đồng thi trường Luật, ông Huy cho hay, thí sinh có mang theo thiết bị “công nghệ cao” thì phải khai báo và cam kết thiết bị đó không thể truyền tin ra ngoài. Trường cũng yêu cầu thí sinh đặt thiết bị trên bàn để biết rằng đó là thiết bị phục vụ cho chống tiêu cực chứ không phải để gian lận. Trong trường hợp họ để kín đáo hoặc thiết bị quá tinh vi thì giám thị, Cán bộ coi thi , thanh tra, phải có trách nhiệm phát hiện và tìm hiểu xem có dẫn tới cho việc gian lận hay không. “Nói chung là phải phòng ngừa tất cả các khả năng xảy ra”, ông Huy nhấn mạnh.
Ông Huy tỏ ra lo lắng về việc không kiểm soát được hết các thiết bị bởi “giới trẻ bây giờ rất thông minh, sử dụng công nghệ rất tốt”.
Sáng 9-7, theo báo cáo nhanh của Bộ Giáo dục Đào tạo, số thí sinh đến dự thi là 603.056, đạt tỷ lệ 80,76%. So với cùng kỳ năm 2011, tỷ lệ thí sinh đến dự thi đại học đợt II khối B, C, D và Năng khiếu buổi sáng ngày 09-7-2012 tăng 0,27% (năm 2011 là 80,49%). Trong buổi thi sáng có 65 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách ba, đình chỉ thi 59 và không được dự thi do đến muộn ba); có một cán bộ bị xử lý kỷ luật đình chỉ làm công tác thi.
Theo đánh giá của các thí sinh, đề thi năm nay vừa sức. Đề thi môn Sinh tuy hơi dài nhưng không quá khó. Đề thi văn cũng được nhiều bạn hào hứng với các câu hỏi mở liên quan trực tiếp đến đời sống như nói về “bệnh thành tích”, “kẻ cơ hội”, “người chân chính”, “ngưỡng mộ thần tượng”…
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, nội dung đề thi đại học bám sát chương trình phổ thông, không quá khó, quá dài, đánh đố thí sinh. Đề thi tiếp tục có những phần câu hỏi đòi hỏi thí sinh phải nắm vững kiến thức, viết vận dụng vào thực tế mới có thể đạt được điểm cao. Đây cũng chính là điểm để các trường đại học có thể chọn được những sinh viên tương lai, phù hợp với yêu cầu của nhà trường.