Ngành giáo dục Hà Nội cho rằng, việc bốc thăm ở các cấp bậc học hiện nay chỉ là giải pháp tình thế. Riêng sự việc phụ huynh xô đổ cổng trường Thực Nghiêm vừa qua chỉ là sự cố hi hữu xuất phát từ yếu tố khách quan.
Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trên địa bàn thủ đô hiện có 409 nghìn trẻ em trong độ tuổi mầm non theo học, trong đó tỷ lệ học tại trường công lập ở các bậc mầm non, nhà trẻ, mẫu giáo vượt chỉ tiêu so với yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Tại khu vực nội thành Hà Nội, hiện còn 6 phường thiếu trường mầm non công lập. Tuy nhiên đến thời điểm này cả 6 phường trên đều đã bố trí đầy đủ quỹ đất xây trường.
Cụ thể phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng), đang xây dựng trường Mầm non Thanh Nhàn, đến tháng 10/2012 sẽ hoàn thành và triển khai công tác tuyển sinh; phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) cũng đang được xây dựng, dự kiến trong tháng 11 năm nay sẽ đi vào hoạt động; phường Láng Thượng (quận Đống Đa) chuẩn bị được triển khai, dự kiến đến tháng 4/2013 sẽ đi vào sử dụng. Ba phường còn lại, gồm phường Ngã Tư Sở, Phương Mai, Trung Liệt (quận Đống Đa) đã chuẩn bị đầy đủ quỹ đất, dự kiến sẽ xây dựng xong trường mầm non và đưa vào sử dụng trong năm 2013.
Trưởng phòng Mầm non Nguyễn Lan Hương: Mục tiêu là mỗi xã, phường phải có ít nhất 2 – 3 trường mầm non công lập. Ảnh LD |
Trưởng phòng Mầm non, Sở GD&ĐT Hà Nội – Nguyễn Lan Hương cho biết, ngành giáo dục Hà Nội đang quy hoạch phát triển trường mầm non trên địa bàn. Mục tiêu trong thời gian tới, mỗi xã, phường phải có ít nhất 2 – 3 trường mầm non công lập. Riêng hai địa bàn quận Cầu Giấy và huyện Thanh Trì đã thực hiện tốt chủ trương này.
“Số trẻ em trên địa bàn thủ đô ngày một gia tăng. Trong khi các bậc phụ huynh thường có nhu cầu cho con em vào học tại các trường công lập nên không thể đáp ứng được hết, nhưng vẫn đảm bảo 100% trẻ em bước sang 5 tuổi được học ở trường công lập. Nhưng tuyệt đối không có chuyện nhận trẻ em 5 tuổi vào trường công lập rồi đẩy trẻ em ít tuổi hơn ra khỏi trường đó” – bà Lan khẳng định.
Riêng việc bốc thăm cho con vào các trường mầm non, bà Hương cũng cho biết đã yêu cầu từng trường xây dựng kế hoạch tuyển sinh, thông báo công khai đến từng địa phương để các bậc phụ huynh nắm rõ. Phía trường sẽ căn cứ vào chỉ tiêu và số lượng hồ sơ, nếu trường nào vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh sẽ phải thực hiện bốc thăm. Trong hai ngày đầu tuyển sinh tại cấp bậc này vẫn chưa xảy ra sự cố gì tại các đơn vị trường.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga cho biết thêm, mỗi năm Hà Nội tăng 38 nghìn trẻ em. Mặt khác trước kia các bậc phụ huynh thường có tâm lý “bà trông cháu”, nhưng khi cơ sở vật chất trở nên hiện đại, việc nhập cư dễ dàng hơn nên số trẻ em đến trường học càng gia tăng.
Tại các khu ĐTM, thành phố yêu cầu chủ đầu tư phải dành quỹ đất, đảm bảo mỗi khu ĐTM có ít nhất 1 – 2 trường. Tuy nhiên theo bà Nga, trong lần kiểm tra mới đây tại 10 khu ĐTM trên địa bàn, có tới 5 khu ĐTM không đáp ứng đủ yêu cầu về số trường theo quy định của thành phố.
Riêng đối với việc thực hiện bốc thăm trong thời gian qua, bà Nga cho biết đây chỉ là giải pháp tình thế khi nhu cầu vượt quá số chỉ tiêu của mỗi trường.
Trưởng phòng Tiểu học Phạm Xuân Tiến. Ảnh LD |
Chia sẻ về sự việc phụ huynh học sinh xô đổ cổng trường tiểu học Thực Nghiệm mới đây, ông Phạm Xuân Tiến – Trưởng phòng Tiều học, Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, trong khi trường chỉ có 200 đơn, nhưng lại có đến 400 trường hợp đăng ký xin học, thậm chí số phụ huynh tập trung trước cổng trường hôm xảy ra sự cố còn nhiều hơn con số đó. Ngôi trường này do Bộ GD&ĐT quản lý chứ không phải thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội. Mô hình ngôi trường này đã tồn tại 30 năm nay, nhưng vẫn không được triển khai nhân rộng.
Vì sao phụ huynh lại đổ xô đến ngôi trường này xin học cho con? Ông Tiến lý giải, nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu phụ huynh xuất phát từ tâm lý muốn cho con em họ được trải qua quá trình kiểm tra chỉ số IQ mà trường Thực Nghiệm đang áp dụng.
Bên cạnh đó trường Thực Nghiệm cũng nằm trên địa bàn thuận tiện về giao thông. Mặc khác trường có cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại, lại là một ngôi trường không tuyến. Một lý do khác cũng được đưa ra là GS Ngô Bảo Châu cũng đã từng học ở trường Thực Nghiệm. Phụ huynh muốn con em mình học ở ngôi trường này để hi vọng con em họ sẽ trở thành những Ngô Bảo Châu trong tương lai.
“Nếu các trường như Kim Đồng, Hoàng Diệu cũng không phân tuyến tuyển sinh thì sẽ áp lực hơn nhiều so với trường Thực Nghiệm” – ông Tiến nhấn mạnh.