Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

Thu học phí đại học: ‘‘Lách”... thả phanh

Chỉ còn ít ngày nữa là đến kỳ tuyển sinh đại học 2012. Năm nay vẫn tiếp tục ghi nhận sự bùng nổ của nhiều trường ngoài công lập với học phí “trên trời” Bên cạnh đó là sự nở rộ những ngành chất lượng cao với học phí… khủng. Song vấn đề dư luận đặt ra là học phí cao có đi cùng chất lượng.

Nên xóa bỏ bao cấp trong học phí đại học Đổi mới cơ chế tài chính liên quan đến học phí đại học Tăng học phí đại học và dạy nghề Sẽ có 7 mức học phí đại học

Ảnh Internet, có tính chất minh họa

Dang dở vì thu học phí kiểu… tung hỏa mù

Chị Nguyễn Thu Hà (Chương Mỹ, Hà Tây) có con trai tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2011. Mặc dù trượt ĐH Kinh tế Quốc dân nhưng lại đủ điều kiện đầu vào của trường ĐH FPT. Đại học FPT biết thông tin nên tìm mọi cách để tiếp cận phụ huynh, mời chào cho con vào học FPT. Quá trình tiếp thị của FPT rất tốt, khiến gia đình cũng phải xiêu lòng cho con vào học dù biết là học phí cao ngất ngưởng. Học phí một tháng là 4,6 triệu, nhưng ngoài ra còn phải đóng rất nhiều các khoản khác nữa. Tính trung bình chi phí một năm học không dưới 100 triệu. Năm nay chị bảo con thi tiếp, nếu đỗ trường khác thì chuyển vì gia đình sợ không kham nổi. Đây cũng là tâm lý của khá nhiều phụ huynh có con học tại trường ĐH FPT – trường đại học có học phí cao nhất khu vực miền Bắc. “Trên thực tế chỉ có khoảng 20% thí sinh dự thi vào ĐH FPT là muốn học thật. Còn 80% là muốn có thêm cơ sở dự phòng. Thực sự đây là ngôi trường chỉ dành cho những gia đình có điều kiện”, chị Hà cho biết thêm.

Thực tế cũng cho thấy, không ít sinh viên vào học tại các trường ngoài công lập có mức học phí khủng đã phải nghỉ học giữa chừng không chỉ bởi học phí quá cao mà còn vì học phí tăng liên tục, có trường trong 2 năm tăng học phí đến 2 lần, mỗi lần thêm 2 triệu đồng. Nhiều trường còn “tung hỏa mù” thu học phí năm đầu thấp để thu hút thí sinh nhưng những năm sau liên tục tăng cao khiến sinh viên rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Tại trường ĐH Hoa Sen, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, đã nhiều lần xảy ra tình trạng sinh viên phản ứng với lãnh đạo nhà trường về chuyện tăng học phí.

Học phí… giá nghìn đô

Hiện nay, đứng đầu bảng trong những trường có mức học phí cao nhất phía Bắc là trường ĐH FPT, với mức học phí chương trình chính khóa là 23,1 triệu đồng/học kỳ, tương đương hơn 4,6 triệu đồng/ tháng. Riêng trong đợt đóng học phí đầu tiên khi nhập học, trường tạm thu thêm 13,44 triệu đồng tương ứng với 4,2 triệu đồng lệ phí nhập học và học phí 1 mức tiếng Anh dự bị là 9,24 triệu đồng.

Trường ĐH Quốc tế Bắc Hà, hệ ĐH các ngành Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán là 15 triệu đồng/năm học. Các ngành Công nghệ thông tin; Kỹ thuật điện tử, truyền thông là 16 triệu đồng/năm học. Các ngành còn lại là: 18 triệu đồng/năm học. Hệ CĐ: các ngành Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán là 8 triệu đồng / năm học, các ngành còn lại là 9 triệu đồng/năm học. Trường ĐH Nguyễn Trãi: hệ ĐH 1,58 triệu đồng/tháng; hệ CĐ 980.000đ/tháng. Chương trình liên kết đào tạo với ĐH Sunderland (vương quốc Anh): 305 triệu đồng/4 năm. Chương trình liên kết đào tạo với ĐH FHM (CHLB Đức) 405 triệu đồng/4 năm.

Học phí khủng nhất phải kể đến trường ĐH Tân Tạo với mức học phí năm 2012 là 3.000USD/năm cho tất cả các ngành. Trường ĐH Hoa Sen: Mức học phí hệ đại học chương trình tiếng Việt: từ 39.600.000 đến 45.600.000 đồng /năm học. Chương trình Tiếng Việt và Tiếng Anh từ 48.000.000 đến 51.600.000đ/năm học. Chương trình hợp tác quốc tế có học bổng riêng theo từng ngành. Trường ĐH Kinh tế tài chính TPHCM công bố mức học phí bình quân của năm học 2012-2013 là 7,4 triệu đồng/tháng chưa kể học phí tiếng Anh.

Phần lớn các trường ĐH ngoài công lập, học phí là nguồn thu chính. Điều đó giải thích vì sao những trường xé rào quy chế tuyển sinh luôn rơi vào các trường ĐH ngoài công lập. Dư luận cho rằng với mức xử phạt chỉ vài chục triệu cho việc xé rào quy chế, tuyển sinh vượt chỉ tiêu thì nhiều trường sẵn sàng vi phạm. Bởi chỉ cần thu học phí 5-7 sinh viên là đủ tiền nộp phạt. Thế mới có chuyện những năm trước có trường tuyển vượt khung đến hàng trăm sinh viên, thậm chí vượt 60-70% chỉ tiêu.

Trường công cũng thu… học phí cao

Nhìn chung các trường công do có sự hỗ trợ của Nhà nước về cơ sở vật chất, lương giảng viên… nên học phí thường được ưu đãi. Tuy nhiên gần đây trong khối các trường ĐH công lập còn có loại hình trường công tự chủ tài chính. Đây là những trường không được Nhà nước hỗ trợ về tài chính như các trường ĐH công lập khác. Vì thế, theo lãnh đạo các trường này, khoản thu học phí trường dùng để chi trả thù lao giảng dạy, quản lý hành chính, mua sắm vật tư thiết bị, máy móc thực hành... Từ các khoản này trường cân đối thu chi để đưa ra mức học phí khóa mới.

Trong đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng có học phí cao hơn hầu hết các trường công lập khác với học phí bậc ĐH, CĐ là 6 triệu đồng cho học kỳ I (tạm thu). Mức học phí cao nhất 8,8-10,5 triệu đồng/năm (tùy ngành). Bên cạnh đó, một số trường công lập đào tạo chương trình chất lượng cao, liên kết quốc tế... có mức học phí khá cao.

Học phí cao - chất lượng có cao?

Trong hệ thống trường ĐH, trường ĐH ngoài công lập vẫn là nhóm có mức thu học phí cao nhất. Vậy liệu học phí cao thì chất lượng có xứng đáng? Đây là câu hỏi mà dư luận đề nghị Bộ Giáo dục – Đào tạo cần có kiểm tra, thanh tra để làm rõ.

Thực tế, trường ĐH ngoài công lập luôn lấy điểm đầu vào thấp hơn rất nhiều công lập, cơ sở vật chất nhiều nơi tạm bợ, giáo viên chủ yếu là đi thuê. Vì vậy chất lượng đào tạo của khá nhiều trường ĐH ngoài công lập lâu nay bị cho là không xứng với “đồng tiền bát gạo” mà sinh viên bỏ ra. Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH NCL Trần Hồng Quân cũng thừa nhận, có nhiều trường ĐH NCL chất lượng yếu, vi phạm quy chế dẫn đến mất thương hiệu. Và với sự phát triển của hệ thống ĐH hiện nay, thí sinh có nhiều sự lựa chọn. Nếu các trường ĐH NCL quá phụ thuộc vào áp lực học phí và bỏ ngỏ chất lượng đào tạo, sẽ dẫn đến không thu hút nổi thí sinh, khó cạnh tranh với các trường ĐH công lập. Trước khi đòi hỏi sự “đối xử” công bằng từ Nhà nước, thì các trường ĐH NCL cần có cuộc cách mạng về chất lượng đào tạo và bình ổn học phí. Đó cũng là giải pháp để rút ngắn khoảng cách giữa các trường ĐH Công lập- Ngoài công lập.

Theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo, các trường ngoài công lập được phép tự quyết định mức học phí nhưng phải thông báo mức thu cho từng năm hoặc cả khóa và phải công khai tài chính trên website. Dư luận cho rằng đây cũng là một kẽ hở rất lớn để các trường…lách luật. Cho phép các trường “tự quyết định học phí” cũng đồng nghĩa với việc các trường ngoài công lập sẽ lợi dụng việc này để muốn thu bao nhiêu thì thu, thậm chí thu học phí bằng cả… nghìn USD. Trong khi đó mặt bằng đời sống và thu nhập của người dân vẫn ở mức thấp. Đồng thời cũng chưa có đảm bảo nào về chất lượng của các trường có mức thu học phí cao ngất ngưởng như vậy.

Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có văn bản yêu cầu các trường ĐH, CĐ ngoài công lập phải thông báo về mức học phí của từng ngành trên website của trường. Tuy nhiên trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ 2012 do NXB Giáo Dục phát hành, nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập không thông tin mức học phí. Trên website của nhiều trường, thông tin về học phí cũng bị “giấu nhẹm”. Bộ Giáo dục - Đào tạo cần có sự thanh tra, kiểm tra đến nơi đến chốn. Những trường không công khai học phí cần phải được xử phạt, đồng thời có mức quy định cụ thể hơn về mức thu học phí, không nên để kẽ hở để trưởng “lách” thả phanh như hiện nay. 

Nặc danh

About Nặc danh

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :