Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

Hai câu chuyện, một bộ mặt

Hai câu chuyện có vẻ không liên quan gì với nhau: nhà đài tăng giá quảng cáo trong chương trình Giọng hát Việt - The Voice sau khi scandal dàn xếp xảy ra và Nhạc hội đàn tranh châu Á dự kiến diễn ra vào tháng 12 tại TP.HCM bị “teo” thành một cuộc giao lưu hội ngộ do không có kinh phí.

Nghệ sĩ Hải Phượng - linh hồn của Hội ngộ đàn tranh
Từng diễn ra hai lần tại Cung Văn hóa Lao Động TP.HCM vào năm 2000 và 2008, Nhạc hội đàn tranh châu Á quy tụ nhiều nghệ sĩ của các nước trong khu vực, được xem là cơ hội so tài, học hỏi lẫn nhau giữa các nghệ sĩ đàn tranh, cũng như gìn giữ một loại hình nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Tuy nhiên, cho đến nay chỉ có đoàn của Nhật Bản và Đài Bắc xác nhận sẽ tham dự, còn đoàn các nước khác thì lặng im. Thậm chí, các đoàn trong nước như đoàn Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế… cũng tỏ ra không mặn mà lắm với cuộc chơi này. Câu trả lời cho việc này chỉ có một chữ: tiền! Theo nghệ sĩ Hải Phượng, vì không tìm được tài trợ nên Ban tổ chức (BTC) không thể tài trợ chi phí di chuyển, ăn ở cho các đoàn như các cuộc chơi mang tính
khu vực khác. Rốt cuộc, Nhạc hội đàn tranh châu Á 3 đành phải dời vào năm sau, thay vào đó là Hội ngộ đàn tranh 3 diễn ra vào 21 - 22/9 này, như một cuộc giao lưu bình thường trong nước.
Trong khi đó, khi scandal dàn xếp của Giọng hát Việt vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng từ những người tổ chức, thì giá spot quảng cáo của chương trình đã được điều chỉnh tăng lên. Trước đây, 10 giây quảng cáo có giá từ 65 - 80 triệu đồng, đã được điều chỉnh sẽ lên từ 75 - 90 triệu đồng; 30 giây quảng cáo tăng từ 130 - 160 triệu đồng thành 150 - 180 triệu đồng… Mức giá này sẽ được áp dụng từ 23/9 tới, tăng dần về cuối chương trình.
Cái được gọi là tài trợ, cho đến bây giờ, của Nhạc hội đàn tranh châu Á 3 chỉ là sự hỗ trợ về khán phòng của Nhạc viện TP.HCM, thay vì không gian không hề phù hợp của Cung Văn hóa Lao Động như mấy năm trước (Hội ngộ đàn tranh lần này vẫn sẽ làm tại Cung VH Lao Động). Còn ở Giọng hát Việt, đây không phải là lần đầu tiên mà là lần thứ ba chương trình tăng giá quảng cáo và sự điều chỉnh giá này dựa vào số lượng người xem sau mỗi đêm phát sóng chương trình. Điều đó cho thấy, ngay cả nhà đài và Công ty Cát Tiên Sa cũng dự báo lượng người xem sẽ tăng lên sau scandal vừa qua. Điều này sẽ trả lời cho rất nhiều câu hỏi khác, về việc vì sao truyền hình thực tế tại Việt Nam rất thường xảy ra scandal, dù scandal đó được cho là đánh mất niềm tin ở khán giả.
Cũng chỉ là tiền, nhưng nếu như điều xảy ra với Nhạc hội đàn tranh châu Á là một câu chuyện buồn, thì việc “bội thu” của Giọng hát Việt cũng không hề là chuyện vui. Suy cho cùng, trong trường hợp này, nghệ thuật chỉ là lớp phấn son ngụy trang để che giấu một phi vụ kinh doanh. Cái gọi là tài năng, dẫu có trong hành trình tìm kiếm này, cũng chỉ là cái cớ cho một mục đích khác. Một cách nào đó, hai câu chuyện này thể hiện một nghịch lý khá đau lòng, khi nghệ thuật đích thực với những con người tâm huyết không hề được quan tâm, thì ngược lại, những giá trị phi nghệ thuật lại được chào đón và tung hô.
Hai câu chuyện, một bộ mặt đáng buồn của thị trường âm nhạc - được gọi là nghệ thuật Việt Nam!

Nặc danh

About Nặc danh

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :