Theo thỏa thuận đạt được với Hiệp hội ghi âm (RIAV)
và MV Corp - đơn vị trực tiếp thực hiện việc cung cấp kho nhạc - từ ngày
1-11-2012, bảy trang web nhạc số tại Việt Nam (Zing, Nhaccuatui,
Nhac.vui, Keeng, Music, Go, Yeucahat) đồng loạt bắt đầu thử nghiệm thu
phí tải nhạc số với mức giá 1.000 đồng/bài hát. Tuy nhiên, đây là giai
đoạn thử nghiệm nên cho tới nay, độc giả các trang web nhạc số vẫn tải
thoải mái được rất nhiều ca khúc miễn phí! Dường như để tạo dần nếp văn
hóa “nghe có ý thức”, các trang nhạc số đều sẽ “thử nghiệm”, tới tận đầu
năm 2013 mới chính thức thu phí tải nhạc một cách triệt để!
Đại diện của Zing (VNG) - một trong những trang nhạc số lớn nhất hiện nay - cho hay trên trang Zing.mp3 có thêm mục Zing Store (store.zing.vn) nhằm tải nhạc có thu phí. Zing cho biết ngay trong ngày đầu tiên 1-11 thực hiện thu phí tải nhạc, ngoài 100 album thử nghiệm của các ca sĩ do MV Corp cung cấp thì nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy là tác giả đầu tiên đưa album của mình vào hệ thống thu phí trên Zing Store, nâng số lượng album tải nhạc có thu phí lên con số 101 album. Cùng nhiều trang nhạc số khác, việc tải nhạc có phí sẽ đi vào nề nếp hơn nhờ vào việc chung tay từ các phía: nhà sản xuất album, nhạc sĩ, ca sĩ, trang web...
Trang Zing Store tải nhạc có thu phí
Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra trên các trang nhạc số và nhiều diễn đàn âm nhạc rất khác so với “thị trường nhạc số” mà RIAV muốn “quản để thu phí”. Thử vào một số trang web, dễ dàng nhận thấy những bài hát được cộng đồng tải nhiều nhất hầu hết đều là những ca khúc hàng đầu trong danh sách “thảm họa nhạc Việt” như: Vọng cổ teen, Da nâu, Nàng Kiều lỡ bước, Tâm hồn vĩnh cửu, Nói dối... kế đó là hàng loạt bài hát dễ nghe nhưng kém giá trị từ ca từ, giai điệu đến giọng hát thể hiện. Mà hầu hết bài hát “siêu nhảm” thường gây sốt trên mạng có khi thu được bạc tỷ từ dịch vụ tải nhạc chuông, nhạc chờ; ngược lại không ít bài được người sản xuất, ca sĩ “cho không biếu không”. Không phải cá biệt khi mà trong số tác giả các ca khúc “nhảm” nhằm “câu lượng hit” có cả một số nhạc sĩ trẻ!
Cuộc vận động “nghe có ý thức” bắt nguồn từ các nhạc sĩ, là một tín hiệu tốt, một viên gạch nhằm xây dựng nền tảng văn hóa thưởng thức nơi khán thính giả. Nhưng nếu chỉ khán giả phải có ý thức “nghe những gì trả tiền” thì phía nhà sản xuất, nhạc sĩ và ca sĩ cũng cần có ý thức để cung cấp những tác phẩm chọn lọc, có giá trị thẩm mỹ, nâng cao thị hiếu cộng đồng. Nhạc sĩ cần có ý thức để sáng tác những ca khúc hay về ca từ, đẹp về giai điệu, đặc biệt là không thể nghĩ đến chuyện “thu phí” khi cung cấp ra cộng đồng những sản phẩm sao chép nhạc nước ngoài, ăn cắp tác quyền, nhạc nhái, nhạc “thảm họa”... như đã từng xảy ra ngay cả với một vài nhạc sĩ có tên tuổi! Thực tế đó cho thấy, không chỉ khán giả mới cần “nghe có ý thức” mà ngay cả nhạc sĩ cũng phải “viết có ý thức” và ca sĩ phải “hát có ý thức”!
-----------------------------------------------