Nghị định 79/2012/NĐ-CP về
biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu;
lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu sẽ có
hiệu lực từ ngày 1/1/2013.
Đây
là văn bản có tính pháp lý cao nhất từ trước tới nay về lĩnh vực biểu
diễn nghệ thuật nhằm chấn chỉnh các hoạt động biểu diễn nghệ thuật để
hoạt động này đi vào ổn định, đúng mực, hạn chế bớt các sai sót, sự cố
phản cảm như vừa qua.
Chặt chẽ và bớt phiền hà
Theo
ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, đây là lần đầu tiên có
một nghị định tập trung tất cả các quy chế, thông tư về nhiều lĩnh vực.
Thứ hai là giảm bớt thủ tục hành chính phiền hà, thứ ba là quy định tổ
chức chặt chẽ hơn, trước kia mỗi quy chế có những điều cấm riêng, giờ
làm chung một quy định và áp dụng chung cho tất cả các lĩnh vực.
Một
trong những điểm mới được đặc biệt quan tâm đó là đối tượng bị điều
chỉnh bởi luật này đã được mở rộng. Từ trước đến nay, các đài phát
thanh, truyền hình cho rằng họ chịu sự điều chỉnh của Luật Báo chí thì
nay, nghị định đã xác định, các chương trình văn hóa nghệ thuật trên
sóng vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 79. Do đó, việc đàn
nhép, hát nhép trong các chương trình nghệ thuật trên truyền hình cũng
bị chi phối bởi nghị định này. Và nghĩa là, không còn “đất” cho việc đàn
nhép, hát nhép.
Liệu những hình ảnh phản cảm này có giảm bớt khi Nghị định 79 ra đời?
Bên
cạnh đó, các cuộc thi người đẹp, người mẫu… do các đài truyền hình,
phát thanh tổ chức cũng đều phải xin cấp giấy phép. Trách nhiệm của tổ
chức, cá nhân tham gia hoạt động biểu diễn và ngay cả trách nhiệm của
chủ địa điểm tổ chức hoạt động này cũng lần đầu tiên được điều chỉnh
trong nghị định. Theo đó, chủ địa điểm tổ chức bên cạnh việc đảm bảo an
ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ, đảm bảo âm thanh, ánh sáng… còn phải
tuân thủ việc không được bán vé quá số ghế hoặc quá sức chứa nơi tổ
chức biểu diễn… Đây là những điểm mới và chặt chẽ mà nghị định đưa ra.
Đặc
biệt, việc cấp giấy phép biểu diễn của các chương trình biểu diễn nghệ
thuật cũng được lược bớt thủ tục. Theo đó, giấy phép biểu diễn dù là do
Sở VH-TT&DL hay Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấp đều có giá trị trên
toàn quốc. Vì thế, một khi chương trình đã có được giấy phép sẽ được
quyền biểu diễn ở các tỉnh thành mà không cần phải xin giấy tiếp nhận
biểu diễn như trước. Tuy nhiên, các chương trình đã được cấp phép buộc
phải thông báo cho Sở VH-TT&DL nơi chương trình sẽ tổ chức kèm theo
giấy phép biểu diễn về nội dung, thời gian, địa điểm của chương trình 5
ngày trước buổi diễn. Thời hạn cấp phép cũng được rút ngắn tối đa xuống
còn 5 ngày (trước là 15 ngày).
Song vẫn khó quản lý
Nhiều
thủ tục hành chính khác như: bãi bỏ giấy phép tiếp nhận của địa phương;
chuyển quyền quản lý các chương trình nghệ thuật tại địa phương cho
chính quyền sở tại; giao trách nhiệm quản lý chương trình nghệ thuật tổ
chức tại trụ sở đài phát thanh, truyền hình để phát sóng cho nhà đài…
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật, Sở
VH-TT&DL Hà Nội cho rằng, việc cấp giấy phép của địa phương này có
hiệu lực ở địa phương khác và đơn vị tổ chức chỉ cần gửi thông báo bằng
văn bản về nội dung chương trình biểu diễn đến Sở VH-TT&DL sở tại
trước 5 ngày diễn ra chương trình có thể gây ra những bất cập trong quản
lý. Vì vậy, theo ông Trực, tùy từng địa phương vẫn sẽ có yêu cầu với
BTC chương trình nghệ thuật là có tiếp nhận chương trình hay không. Bởi
có thể chương trình được cấp phép ở địa phương này nhưng không phù hợp
với địa phương khác.
Vấn
đề nâng cao mức xử phạt cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các
nghệ sĩ. NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu, cho rằng mức
xử phạt hiện còn giống như trò đùa. Ví dụ vụ sai phạm của ca sĩ Đàm Vĩnh
Hưng với một nhà sư tại một chương trình ca nhạc từ thiện, mức xử phạt 5
triệu đồng không thấm vào đâu.
|
Ông
Trực nhấn mạnh: “Nếu trách nhiệm quản lý được giao về cho địa phương
thì chương trình nghệ thuật cần phải được sự đồng ý của địa phương mới
được tổ chức”. Bên cạnh đó, trong thủ tục cấp phép, ông Trực cũng đưa ra
đề nghị bổ sung vào hồ sơ xin cấp phép tổ chức biểu diễn các hợp đồng
ký kết giữa đơn vị tổ chức chương trình và nghệ sĩ. “Nội dung này sẽ
giúp hạn chế tình trạng quảng cáo giả, đưa tên nghệ sĩ vào để lừa đảo,
câu khách nhưng thực tế thì nghệ sĩ đó không tham gia chương trình", ông
Trực cho hay.
Việc nâng
cao mức xử phạt đã được ông Vương Duy Biên khẳng định, Nghị định 79 sẽ
là một nghị định xử phạt các vi phạm cụ thể. Mức xử phạt không chỉ biểu
hiện bằng tiền, quan trọng là các biện pháp đi kèm. Ví dụ có thể không
cho xuất hiện, không cho biểu diễn, không chỉ cấm xuất hiện trên sân
khấu mà đồng loạt cả trong điện ảnh, sàn diễn, các chương trình giao
lưu, quảng cáo… Từ nay cho đến khi nghị định có hiệu lực, Cục Nghệ thuật
Biểu diễn vẫn tiếp nhận những ý kiến đóng góp bằng văn bản.
-----------------------------------------------