Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

Khổ luyện

Tại VN hiện vẫn chưa có một nền công nghiệp về âm nhạc đích thực, không phải ca sĩ nào cũng có một nhà sản xuất sẵn sàng đầu tư cho sự nghiệp ca sĩ để họ yên tâm ca hát.
Ca sĩ Uyên Linh, quán quân của chương trình VN Idol 2010
Rời khỏi cuộc thi, muốn trụ vững trong thị trường nghệ thuật, các quán quân phải cố gắng khổ luyện rất nhiều.
Học và... phải học
Ngay sau khi trở thành quán quân của chương trình Thần tượng âm nhạc VN (2010) và ký hợp đồng với công ty âm nhạc của nhạc sĩ Quốc Trung, việc đầu tiên mà vị nhạc sĩ này làm đối với ca sĩ Uyên Linh là mang cô ra Hà Nội cho NSND Trung Kiên “kiểm tra” giọng hát.
Đối với một người không được đào tạo bài bản, đến với âm nhạc chỉ bằng đam mê và bản năng thì việc nhờ một “bác sĩ” gạo cội trong nghề như NSND Trung Kiên “khám” bệnh là hết sức cần thiết. “Tôi rất cảm ơn bác Trung Kiên và anh Quốc Trung, bởi nhờ những góp ý thẳng thắn của bác Kiên và định hướng cho sự phát triển của anh Trung khiến tôi tự tin và vững bước trên con đường mình đã chọn”, Uyên Linh nói.
Bệnh mà NSND Trung Kiên tìm ra ngay lập tức cho Uyên Linh chính là các lỗi trong xử lý bài hát, nốt nhạc là lỗi thường xuyên và phổ biến của những người không được đào tạo bài bản về âm nhạc: từ cách lấy hơi, xử lý âm vực trong thanh quản, độ rung, độ cao... tất tần tật.
Sau khi được “thăm khám”, Uyên Linh được một giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia VN nhận trực tiếp giảng dạy về xướng âm, luyện thanh để sửa những căn bệnh “thâm căn cố đế” của một người ngoại đạo.
“Không phải lúc nào mình cũng nhận ra những khuyết điểm của mình đâu” - Uyên Linh nói. Là người nghe rất nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, nghe và học, hát theo các ca sĩ cả trong và ngoài nước nhưng có nhược điểm thì Linh sửa ngay được, có lỗi thì Linh chưa thể sửa ngay mà mất rất nhiều thời gian mới nhận ra.
Dù được nghe kể, được nói nhiều đến thế giới nghệ sĩ và âm nhạc, nhưng Uyên Linh vẫn quá “ngợp” trước sự thay đổi và va đập của cuộc sống showbiz sau ánh đèn sân khấu. Đó là thức khuya dậy sớm, phục trang, ứng xử... hàng tỉ tỉ vấn đề khác nhau diễn ra ngoài việc hát.
“Có những thời điểm mở mắt ra đã thấy mình trên máy bay rồi. Dù có tìm hiểu về cuộc sống của giới showbiz nhưng tôi không thể nào tưởng tượng có quá nhiều thay đổi đến với mình như thế”. Và cái thiệt thòi nhất đối với Linh đó là không còn nhiều thời gian để chăm sóc gia đình và những người thân.
Để duy trì tốt công việc của một nghệ sĩ mà mình mong muốn và lựa chọn, không chỉ lo biểu diễn, xuất hiện trong những chương trình lớn mà đồng thời một lúc cô ca sĩ bé nhỏ phải đảm nhiệm nhiều công việc khác nhau: ra đĩa, đi diễn và đi học.
Cô thừa nhận tất cả kiến thức về âm nhạc, thanh nhạc các bạn khác được đào tạo trong rất nhiều năm thì bây giờ mình đang đi học “bổ túc”. Mà cách học của Uyên Linh là “sai đâu sửa đấy” cho giọng hát.
Vừa đảm đương vai trò của một nghệ sĩ vừa làm học trò nên Uyên Linh cho biết cũng có lúc cô cảm thấy khá mệt mỏi: “Nhưng tôi phải chấp nhận, kể cả những hiểu lầm và thị phi. Bởi đó là lựa chọn tốt nhất của tôi trong thời điểm này, biết trước mọi việc rồi sẽ thấy dễ chấp nhận hơn”.
Bé Bảo Ngọc (nữ), quán quân của chương trình Tìm kiếm tài năng VN 2011, vừa học vừa biểu diễn - Ảnh: Hoàng Điệp
Quá tải
Giành ngôi vị quán quân của cuộc thi Tìm kiếm tài năng (phiên bản Việt), cô bé Bảo Ngọc (7 tuổi, Hà Nội) vẫn còn là một đứa con nít. 21g, trong một quán bán thức ăn nhanh, bé Bảo Ngọc đang được mẹ xúc cho từng thìa cơm và canh.
Ăn chậm và ngậm cơm là thói quen của bất kể đứa trẻ nào lứa tuổi ấy chứ chẳng riêng Bảo Ngọc. “Con bé vừa đi học đàn về” - mẹ Bảo Ngọc khoe như vậy.
Dù bất ngờ về thành tích của con nhưng trở về sau cuộc thi, bố mẹ Bảo Ngọc đã xác định cho cháu theo nghệ thuật chuyên nghiệp. Bảo Ngọc đã thử giọng, học luyện thanh với cô giáo của Học viện Âm nhạc quốc gia, Ngọc được tìm thầy để học piano, đồng thời cô bé được tìm thêm thầy dạy múa và khiêu vũ.
Vẫn là con bé con, vẫn phải theo học văn hóa tại trường, vừa có lịch biểu diễn khá đều đặn lại còn phải học thêm các bộ môn nghệ thuật khác nữa, đối với một đứa trẻ có thể là quá tải. Tuy nhiên, chị Lan Phương, mẹ Bảo Ngọc, trấn an: “Bởi cháu thích nên hào hứng học lắm. Muốn hướng cháu theo nghệ thuật thì không còn con đường nào khác là phải theo từ bây giờ”.
Chị vẫn còn nhớ nguyên cảm giác xót ruột khi nghe tiếng con gái kêu đau trong lúc ép dẻo học múa. “Tôi đã bảo với bà ngoại là thôi không cho con học nữa, đau đớn như vậy thì học làm gì. Thế nhưng đau thì đau, cháu vẫn thích”.
Hoặc có những buổi hai bà cháu rong ruổi đến 9 giờ tối vẫn chưa thấy đưa cháu về nhà, chị Phương cũng bảo bà thôi, vất vả như thế lỡ cháu ốm đau thì sao. “Mà Bảo Ngọc có bụ bẫm gì cho cam, cũng lười ăn, lười uống như bao nhiêu trẻ con khác”.
Còn bà ngoại Bảo Ngọc cho rằng: ở lớp học múa cô cho Bảo Ngọc uốn tròn như con tôm rồi xách đi vòng vòng quanh lớp và rao: ai mua Bảo Ngọc nào. Thế mà con bé không kêu ca một tiếng nào hết. Càng khó cháu càng thích, càng chăm chú học.
Thỉnh thoảng khi đưa cháu đi tập, ngồi ngoài nghe tiếng cháu kêu đau cũng xót ruột, nhưng lúc đi ra khỏi lớp hỏi cháu có học nữa không cháu vẫn bảo có. Thế là dù khó khăn bà cháu cũng vẫn song hành thôi.
Nỗ lực hết mình
Truyền hình thực tế mang đến cho khán giả một chương trình để giải trí, đồng thời cũng mang đến cho họ một quán quân. Hết chương trình này đến chương trình khác sẽ tiếp nối như một dòng chảy. Không vận động thì lớp sóng sau sẽ đè lên lớp sóng trước.
Hiện đang là HLV cho chương trình Giọng hát Việt và đương nhiên Thu Minh mong rằng thí sinh trong đội mình sẽ đoạt giải. Chị đánh giá rất tốt về các thí sinh tham gia: “Chất lượng thí sinh khá tốt, chúng tôi cảm ơn các bạn ấy vì đã tin tưởng chương trình”.
Nhưng trước câu hỏi chị có hi vọng quán quân của các cuộc thi thực tế sẽ trở thành những ngôi sao giống như họ đã tỏa sáng trong đêm chung kết hay không, ca sĩ Thu Minh nhún vai và lắc đầu.
Chị khẳng định: “Đã có nhiều tấm gương rồi đấy. Chỉ riêng về âm nhạc cũng có đến vài chương trình thực tế rồi. Nhưng phần lớn tôi không nhìn thấy sự thành công từ những quán quân này. Cuộc thi có thể mang đến cho các quán quân một cơ hội, nhưng nắm bắt cơ hội thế nào lại là việc khác. Đó là cả một quá trình chứ không phải sáu tháng sinh hoạt, thi thố, học hỏi để biến ngay các bạn thành một ngôi sao”.
Thu Minh cũng cho rằng để trở thành một ca sĩ có vị trí như hiện nay, 20 năm qua chị đã nỗ lực không ngừng để học hỏi. Thậm chí điều kiện ngày đó còn quá khó khăn. Nếu quán quân của cuộc thi là một người được đào tạo bài bản về âm nhạc thì cơ hội để duy trì phong độ cần gấp đôi, còn người không được đào tạo bài bản cần phải nỗ lực gấp bốn.
Ngay ca sĩ Siu Black, người đã đồng hành cùng các thí sinh qua hai mùa Idol, cũng khẳng định không dễ gì để có thể trở thành nghệ sĩ lớn sau một mùa thi. Tuy nhiên, nếu biết nắm bắt cơ hội thì bệ phóng từ các cuộc thi truyền hình thực tế có thể giúp các thí sinh thực hiện tốt hơn giấc mơ của mình.

Nặc danh

About Nặc danh

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :