Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Những kỷ niệm với Phạm Duy

Hồi ấu thơ ở Hải Phòng, tôi thường nghe và thuộc nhiều bài hát qua chị gái mình, trong đó có những bài hát Phạm Duy. Không hiểu sao, dù còn nhỏ, nhưng những giai điệu như: "Tôi yêu tiếng nước tôi - từ khi mới ra đời – Mẹ hiền ru những câu xa vời à ơi …”, hay "Tình hoài hương khói bếp vương đây tình hoài hương …”, hoặc "Thuyền ơi viễn xứ xa xôi …” cứ lay động vào tâm hồn bé dại của tôi một cảm xúc mơ hồ không rõ rệt.

Bẵng đi, đến ngày thống nhất tôi lại nghe Phạm Duy qua những băng cối A Kai và thấy thật dễ thương: "Đưa em về dưới mưa – nói năng chi cũng thừa – như mưa đời phất phơ – chắc ta gần nhau chưa …”, đến khi quen Văn Cao, Hoàng Cầm, tôi biết thêm nhiều về Phạm Duy. Năm 1994, khi cùng anh Hồng Đăng và Dương Thụ làm chương trình "Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam”, bộ biên tập quyết định sẽ chọn hát "Về miền Trung” của ông trong chương trình. Anh Hồng Đăng và tôi đến trao đổi với anh Trần Hoàn – lúc đó là Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin. Anh Trần Hoàn đồng ý. Nhưng tới phút chót thì anh lại gọi anh Hồng Đăng và tôi đến nhà nói là chưa thể đưa "Về miền Trung” vào được. Song có lẽ cũng từ sự kiện ấy, anh Phạm Duy bắt đầu viết thư cho tôi chia sẻ những ưu tư của mình.

Lần đầu tiên tôi gặp Phạm Duy vào sáng mồng 5 tết năm Canh Thìn 2000, khi lần đầu tiên sau nửa thế kỷ xa, Phạm Duy cùng các con về thăm Hà Nội. Tôi và anh Hoàng Kỳ - con cả nhà thơ Hoàng Cầm, lên Nội Bài. Ở cửa sân bay, thấy một người cao to, tóc bạc trắng xóa tươi cười bước ra. Không biết ông đã hình dung ra tôi do ai tả mà ông chủ động hỏi ngay: "Thụy Kha đấy hả? Moa (tôi) đây. Phạm Duy đây”. Tôi và Hoàng Kỳ ôm choàng ông như ôm một cây đại thụ của làng nhạc Việt. Ngay chiều hôm đó, chúng tôi gặp tài tử Ngọc Bảo – bạn cũ của Phạm Duy và anh Ngọc Bảo cho biết chiều nay, anh Phạm Thế Duyệt – Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam sẽ tiếp anh Phạm Duy. Chiều ấy, qua ý kiến anh Duyệt, có cả anh Trọng Bằng – khi ấy là Tổng Thư ký Hội nhạc sĩ Việt Nam và anh Hồng Đăng – Phó tổng thư ký – cùng gặp gỡ. Câu chuyện nở như pháo rang. Anh Duy có ngỏ ý với anh Duyệt xin nhà nước cho phép hồi hương. Nguyện vọng này của anh đã được nhà nước chấp thuận năm 2005. Suốt thời gian anh Duy ở Hà Nội, tôi trở thành "liên lạc” cho anh. Khi thì đến thăm anh Nguyễn Thiện Tơ ở Mai Hắc Đế. Khi thì đến thăm anh Đoàn Chuẩn ở Cao Bá Quát. Dịp này, anh còn thăm anh Trần Hoàn và anh Tố Hữu…

Từ sau Xuân 2000, năm nào mùa Xuân, anh Phạm Duy cũng về Việt Nam. Gặp nhau ở Hà Nội, tôi thường rủ anh du xuân thăm lại cảnh xưa, người cũ. Có lần tôi đưa anh lên Bắc Ninh – quê hương Quan họ, thăm chùa Đọ giữa thành phố hay về Hải Phòng, ra tận Đồ Sơn ăn tất niên tại tư gia anh Hoàng Gia Cung cùng NSND – Đạo diễn – Đào Trọng Khánh. Anh Duy và anh Khánh đều là những người hay chuyện. Chuyện trên trời, dưới biển. Đủ cả. Cảm giác như Phạm Duy trẻ lại sau mỗi lần về. Nhìn thấy đất nước ngày càng đổi mới, anh càng xác tín nguyện vọng của mình. Những ngày ở Hà Nội, tôi thường hay đưa anh đến quán Mai Hoa ở ngõ Cấm Chỉ. Mai Hoa là con gái đạo diễn Vũ Phạm Từ. Tính tình xởi lởi vui vẻ nên anh Duy rất mến. Có giao thừa tôi phải về nhà đành nhờ Mai Hoa tháp tùng "ông anh” đi vòng Hồ Gươm để lấy lại cảm giác Xuân xưa trong giai điệu Đoàn Chuẩn: "Đêm Tân xuân – Hồ Gươm như say mê – chuông reo ngân Ngọc Sơn sao uy nghi …”. Thường về Hà Nội, Phạm Duy hay ở khách sạn phố Hàng Dầu để gần căn nhà xưa cũ. Không chỉ gần nhà mà còn gần Hồ Gươm gắn với kỷ niệm khi ông viết bài hát đầu tiên "Cô hái mơ” (thơ Nguyễn Bính). Hồi ấy, thơ Nguyễn Bính lan tỏa mạnh mẽ vào đời sống bởi hồn chân quê. Phạm Duy và Nguyễn Đình Phúc không có tiền mua sách, bèn đến mượn ông Ngoạn – chủ nhà sách ở Cầu Gỗ và hẹn sẽ đọc xong sau khi đi một vòng Hồ Gươm, rồi trả lại. Không chỉ đọc hết tập thơ, hai ông còn hẹn với nhau sẽ cùng phổ nhạc một bài thơ của Nguyễn Bính sau khi đi hết vòng hồ. Và "Cô lái đò” của Nguyễn Đình Phúc, "Cô hái mơ” của Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Bính đã ra đời như thế. Có lúc do công việc với công ty Phương Nam quay phim hoặc biểu diễn, ông lại ở ngay khách sạn Đường Thanh ngay bên nách nhà tôi. Vậy là thành láng giềng suốt những ngày ở Hà Nội. Phạm Duy thích ăn phở bò Hà Nội, mà phải là phở chín như Vũ Bằng tả trong "Miếng ngon Hà Nội” cơ. Vậy nên tôi và anh hết ăn phở Bát Đàn, lại quành sang Lý Quốc Sư. Hết ăn phở Ngõ Trạm, lại tắc-xi đến phở Hùng Phan Bội Châu – ông chủ quán phở - ông Hùng quá mến mộ Phạm Duy nên kính cẩn mời một bát đặc biệt, một chầu cà phê và bẽn lẽn xin … chữ ký. Ngược với Văn Cao và Hoàng Cầm, Phạm Duy không bia rượu và hút thuốc. Có lẽ ông chỉ hợp với Hoàng Cầm ở khoản tình tang. Điều này, Hoàng Cầm đã viết ở "Phạm Duy trong tôi”

Vào Sài Gòn, tôi cũng thường thăm anh. Hồi chương trình Phạm Duy ở Sài Gòn, tôi cũng được mời viết lời bình và vào rạp Hòa Bình thưởng thức qua giọng MC của NSND Trần Hiếu. Ngày tôi ra mắt tập tuyển chọn "1000 ca khúc Thăng Long – Hà Nội” tại Sài Gòn, anh cũng đến dự và nói rất hay. Cứ thế, anh em chia sẻ nỗi niềm rất tự nhiên và chân thành.

Gần đây, Phạm Duy bắt đầu mệt nặng. Giữa tháng 12-2012 tôi và Tùng Dương vào Huế làm chương trình Tùng Dương độc diễn với sinh viên Huế qua các ca khúc Phạm Duy, Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn … Anh không thể ra dự được mặc dù rất muốn. Trước đó, khi làm chương trình ở Sài Gòn, Tùng Dương có tới thăm anh. Đêm hát Phạm Duy ở Huế, Tùng Dương rất thăng hoa. Hay nhất có lẽ là "Ngậm ngùi” (thơ Huy Cận).

Chiều 27-1-2013, nghe tin anh … tạ mùa đi. Chợt nhói lòng trống trải. Những kỷ niệm suốt 12 năm gần gũi anh cứ hiện về chập chờn, như thực, như mơ. Đêm đến cũng không tài nào chợp mắt. Tôi vùng dậy viết bài thơ tưởng niệm anh. Vĩnh biệt anh nhé – một người anh yêu quý.

Nặc danh

About Nặc danh

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :