Thiếu vốn, cơ sở vật chất nghèo nàn, địa bàn rộng, dân thưa, nhận thức của người dân còn hạn chế... đó là những cái khó trong dạy nghề cho lao động ở Hoà Bình.
Thiếu đủ thứ
Là
tỉnh có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao, cuộc sống của người dân chủ
yếu dựa vào kinh tế rừng, ruộng nương là chính nên đời sống của người
dân Hoà Bình còn rất nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân làm nên
cái nghèo của người dân nơi đây là đa số không có nghề phụ. Đề án 1956
về đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ "giải bài toán" thiếu nghề cho
người dân nơi đây. Tuy nhiên, khi triển khai lại gặp rất nhiều khó
khăn, cái nghề vẫn chưa đến được hết với người dân.
Ông
Trần Đình Vui- Trưởng phòng Quản lý dạy nghề (Sở LĐTBXH Hòa Bình) cho
biết: "Toàn tỉnh có 36 cơ sở dạy nghề, trong đó có 3 trường cao đẳng, 2
trường trung cấp và 31 trung tâm và cơ sở dạy nghề. Nhưng do địa bàn
rộng, dân cư thưa, nên số cơ sở này còn quá mỏng so với nhu cầu. Ngoài 3
trường cao đẳng và 2 trường trung cấp nghề, còn lại hầu hết các trung
tâm cơ sở vật chất, thiết bị thực hành rất thiếu thốn, thiếu giáo viên
có chuyên môn nghiệp vụ cao, nên chất lượng đào tạo nghề chưa cao".
Sau 3 năm thực hiện Đề án 1956, tỉnh đã đào tạo nghề cho 8.549 học
viên. 25 người sau khi học nghề đã được hỗ trợ vay vốn để tổ chức sản
xuất với tổng số tiền 235 triệu đồng. Kế hoạch của tỉnh là năm 2015 sẽ
có 45% lao động qua đào tạo nhưng với đà này rất khó hoàn thành.
Ông Trần Đình Vui - Trưởng phòng Quản lý dạy nghề (Sở LĐTBXH Hòa Bình)
Cũng
theo ông Vui, khó khăn lớn nhất của tỉnh là vốn, kinh phí để mở lớp.
"Nhận thức của người dân và một số cán bộ về việc dạy nghề chưa cao. Hơn
nữa, dân cư sống không tập trung, để "nhóm" đủ học viên mở lớp không hề
đơn giản. Hầu hết các học viên đều được hỗ trợ tiền ăn, đi lại, nhưng
vì phải đi xa, rồi nhận thức của người dân hạn chế nên nhiều học viên
vẫn không chịu đi học. Chỉ còn cách mở lớp tại thôn, xã, nhưng vì thiếu
kinh phí nên chúng tôi mới chỉ thực hiện được một vài nơi" - ông Vui cho
biết thêm.
Đi học mới biết mình yếu
Để
tuyên truyền, vận động người dân đi học, Sở LĐTBXH tỉnh đã phối hợp với
các huyện, ban ngành thành lập ban chỉ đạo và tổ thực hiện Đề án 1956.
Đến nay, 191/191 xã đã thành lập tổ thực hiện Đề án 1956. Các tổ này
phối hợp với các tổ chức như Hội ND, Cựu Chiến binh, Phụ nữ, Đoàn Thanh
niên để tuyên truyền cho người dân hiểu sự quan trọng và lợi ích của
việc học nghề. Nhờ đó, nhận thức của người dân đang dần được cải thiện.
Một
cán bộ của huyện Cao Phong kể, khi mở lớp học nghề trồng cam, các ban,
ngành của huyện, xã đã đi khảo sát nhu cầu của các hộ dân, nhiều người
bảo: "Tôi trồng cam hơn chục năm nay, việc gì phải đi học nữa cho mất
thời gian". Nhưng khi vận động họ tham gia lớp học, họ mới tá hỏa khi
thấy mình còn thiếu rất nhiều kiến thức.
Ông
Nguyễn Văn Tiến, ở tiểu khu 5, thị trấn Cao Phong (huyện Cao Phong) hiện
đang trồng tới 5ha cam, trong đó hơn 3ha đang cho thu hoạch, tâm sự:
"Trước đây cam của gia đình tôi hay bị sâu đục thân nên năng suất thấp.
Từ khi được học lớp kỹ thuật chăm sóc cam, tôi về áp dụng và hiệu quả rõ
rệt. Vụ cam vừa rồi, gia đình tôi thắng lớn, trừ chi phí lãi gần tỷ
đồng".
Ngoài mô hình trồng cam ở Cao Phong,
năm 2010, tỉnh đã tổ chức 2 lớp dạy nghề thí điểm nuôi lợn Mường và
trồng nấm rơm ở huyện Lạc Sơn với 60 học viên và mô hình nuôi cá lồng ở
huyện Đà Bắc với 30 học viên. Hiện cả ba mô hình đều phát triển rất tốt
và đang nhân rộng ra hàng trăm hộ. Hầu hết các mô hình đều cho thu nhập
từ 2,5 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.