Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Công chức trình độ cao sẽ ’cắp ô’ kín đáo?

Trong khi đến 30% công chức nhà nước làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về khiến nhiều người cho rằng, tuyển công chức có trình độ cao này chỉ để "cắp ô" cho kín đáo.
 
Theo tuyên bố của tỉnh Nam Định thì tỉnh sẽ không tuyển công chức là những sinh viên tốt nghiệp đại học dân lập, tư thục hay tại chức. Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định tuyên bố lý do vì “Nam Định là tỉnh học quá giỏi” và “nhiều em học xong lớp 12 thi trường nào trượt trường đấy, rồi lại đi học tại chức”.
 
Thông tin này ngay lập tức đã tạo ra nhiều luồng ý kiến khác nhau. Mới đây, trong cuộc phỏng vấn bên lề Quốc hội về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh-thiếu niên và nhi đồng  của Quốc hội Trịnh Ngọc Thạch cho biết: "Không chỉ Nam Định, một số địa phương đã từ chối tuyển dụng đối với bằng tại chức và theo nguyên tắc, điều đó là sai quy định. Nhà nước có quy định rõ ràng đối với văn bằng các bậc học. Nó là hợp pháp và hợp lý. Nếu từ chối bằng tại chức là làm sai quy định."
 
Ông Trịnh Ngọc Thạch Trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội
Ông Trịnh Ngọc Thạch trả lời phỏng vấn bên hành lang Quốc hội
 
Theo ông Thạch thì : "Bằng cấp là quy định quốc gia và bình đẳng. Những địa phương từ chối bằng quốc gia này rõ ràng là vi phạm. Dứt khoát là không được. Nếu Nam Định lập hội đồng tuyển dụng và thấy những người có bằng tại chức không đáp ứng các yêu cầu tuyển dụng và loại họ thì được. Chất lượng thế nào phải do hội đồng đánh giá, chứ biết đâu hệ tại chức có người giỏi hơn so với bằng cấp chính quy thì sao. Điều này là hoàn toàn có thể."
 
Ông Thạch cũng nhấn mạnh: "Cần minh bạch hóa, công khai hóa chuyện tuyển đầu vào cũng như chất lượng đào tạo. Hai khâu này không được làm nghiêm túc thì tại chức rất dễ trở thành nơi hợp thức hóa bằng cấp cho những người cần ghế, cần được bổ nhiệm."
 
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc chỉ tuyển công chức có bằng tốt nghiệp đại học chính quy trở lên mới chỉ là bề nổi của vấn đề. Thực chất, cần nhìn lại thực trạng chế độ công vụ, công chức của các cơ quan, tổ chức của nước ta hiện nay. 
 
Phát biểu tại cuộc họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, ông chức vào chiều 25/1/2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận : “Tình trạng chạy công chức vẫn diễn ra do chế độ thi cử đầu vào bất cập. Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.
 
Phó thủ tướng cũng đã đặt ra câu hỏi: “Chúng ta hiện đang có 2,8 triệu công chức, nhưng thực sự 2,8 triệu công chức ấy có cống hiến hết mình hay không?"
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận có tới 30% số công chức không có cũng được
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận có tới 30% số công chức không có cũng được
 
Vậy vấn đề đặt ra là với thực trạng chế độ công vụ, công chức như Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu trên thì việc chỉ tuyển chọn công chức có trình độ cao có tác dụng gì đổi với việc đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức của nước ta hiện nay không hay thực chất chỉ là tuyển được lớp công chức "cắp ô" có trình độ nên kín đáo hơn?
 
Dễ thấy công chức nhà nước dù có là để "cắp ô" mà có trình độ cao cũng khiến người dân mát lòng mát dạ. Ngoài ra nhà nước cũng đề ra tiêu chí giữ các chức vụ cụ thể, vậy nên mới có tình trạng hàng loạt công chức  đua nhau đi học tại chức để mua bằng, để thăng quan tiến chức.
 
Bên cạnh đó, số lượng công chức nhà nước hiện nay quá nhiều. Thắt chặt đầu vào sẽ khiến bộ máy công chức đỡ phình ra vì nhiều lý do bất khả kháng.

Bởi vậy việc từ chối  tuyển công chức là những sinh viên tốt nghiệp đại học dân lập, tư thục hay tại chức có thể là một giải pháp khả quan để thực hiện giảm biên chế nhà nước.
-----------------------------------------------  

Nặc danh

About Nặc danh

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :