4 năm về trước, tôi là một sĩ tử
bước vào phòng thi. Tôi nhớ năm 2009 đề thi tốt nghiệp THPT bàn về việc
đọc sách, đề thi đại học bàn về câu nói của tổng thống Mỹ A. Lincon.
Những đề thi như vậy là luồng gió mới của nghị luận xã hội, nhưng chưa
khai thác được những vấn đề chúng tôi thực sự quan tâm. Mới đây, cầm đề
thi tốt nghiệp năm 2013, tôi cảm thấy rất bất ngờ.
Niềm vui của thí sinh Nghệ An sau môn thi Ngữ văn |
Một sự kiện thời sự diễn ra cách đây chỉ
hơn một tháng đã xuất hiện trong đề thi tốt nghiệp cấp 3 môn Ngữ văn.
Bộ GD&ĐT đã chọn được một câu chuyện vừa tầm với lứa tuổi và suy
nghĩ để các em nói lên quan điểm của mình, điều này thường khó tìm thấy
trong các kì thi trước đây.
Tôi và các bạn đồng nghiệp đã cảm thấy
thú vị, nhìn thấy giá trị thực sự của một đề văn nghị luận xã hội, đúng
chất xã hội trong đó.
Còn nhớ đề thi nghị luận xã hội năm
trước của khối D bàn về thần tượng, dường như càng về sau những đề thi
của các em càng có tính thiết thực và đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của
các em nhiều hơn.
Đề thi tốt nghiệp THPT năm nay theo tôi
là phù hợp với năng lực của các em, khơi dậy những phẩm chất tốt của bản
thân để hoàn thiện nhân cách và thấy cuộc sống còn có những con người
dám sống và dám hi sinh vì người khác.
Giờ đây tấm gương của em Nam đã vượt ra
khỏi những khuôn khổ của một bài thi, giúp học sinh nói lên tiếng nói
của mình, thấu hiểu và học tập lòng dũng cảm, đức hi sinh. Sau khi hoàn
thành bài thi một số em còn cảm thấy mình yêu thương con người xung
quanh hơn, nhận thức được không chỉ sống cho mình mà còn sống cho người
khác.
Tôi đánh giá cao cách ngành giáo dục đã
rất sáng tạo trao cơ hội cho các em học sinh nói lên suy nghĩ của mình .
Đây cũng chính là minh chứng về những thay đổi tích cực của Bộ
GD&ĐT trong đổi mới phương pháp dạy – học, đổi mới kiểm tra đánh
giá.