Đến thời điểm này Sở GD&ĐT
Hà Nội cũng như nhiều địa phương chưa công bố điểm thi vào lớp 10 công
lập song không ít phụ huynh đã đề phòng chọn giải pháp sẵn sàng cho con
học trường THPT dân lập nếu trượt trường công lập.
Phụ huynh tại điểm thi Trường THPT Cầu Giấy chia sẻ đề thi cùng con |
Năm nay có con gái vừa tốt nghiệp THCS
Hoàng Hoa Thám – Hà Nội thi vào lớp 10, vợ chồng anh Dũng ở làng Võng
Thị có tâm trạng lo lắng. Anh Dũng cho biết, năm nay tỉ lệ thí sinh dự
thi nguyện vọng 1 vào Trường THPT Cầu Giấy đông hơn mọi năm, khiến tỉ lệ
chọi rất cao.
Có tới hơn 1.700 thí sinh dự thi nhưng
chỉ tiêu tuyển sinh năm nay chỉ lấy 462 HS. Trong khi đó, thấy con nói
bài thi làm không được tốt nên ngay buổi chiều thi xong môn Toán, vợ anh
Dũng đã vội vã đến Trường phổ thông dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm mua hồ sơ
dự định cho con theo học trường này. “Thôi dù học dân lập đắt đỏ hơn
nhưng gia đình cũng phải chấp nhận, chứ để con học GDTX thì lo lắm” - vợ
anh Dũng chia sẻ.
Những năm gần đây điểm đỗ vào Trường
THPT Cầu Giấy có xu hướng tăng. Năm trước đỗ nguyện vọng 1 là 49 điểm,
điểm nguyện vọng 2 nhiều hơn nguyện vọng 1 là 1,5 điểm. Ngay như Trường
THPT Trần Hưng Đạo vốn chỉ trong tốp giữa thì năm nay cũng bất ngờ tăng
vọt lượng thi đầu vào, ngang ngửa với trường Cầu Giấy, nhưng chỉ tiêu có
504 HS.
Theo dự đoán của nhiều phụ huynh có con
thi vào lớp 10, năm học này muốn đỗ trường Cầu Giấy kể cả điểm cộng và
điểm thi, HS phải đạt tổng số 52 điểm. Với điểm đầu vào cao như vậy,
cùng với 4 năm đạt loại giỏi được tổng cộng 20 điểm, cùng với 2 điểm học
nghề loại bằng giỏi, tính ra bài thi cả Văn và Toán của HS phải đạt tối
thiểu 8 điểm mới có cơ hội học trường này.
Trường dân lập là tâm lý chung của nhiều
bậc phụ huynh có con thi vào 10 tại Hà Nội nếu con trượt đầu vào trường
công. Thậm chí các trường dân lập có thương hiệu tỉ lệ đỗ ĐH cũng rất
cao như dẫn đầu trong tốp đầu các trường ở Hà Nội là trường Lương Thế
Vinh, THPT DL Marie Curie, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đông Đô... đang là tâm
điểm chú ý, lựa chọn của phụ huynh và HS.
Chính vì thế, phụ huynh đã tự tìm hiểu
các trường dân lập, đăng ký, sẵn sàng cho con học nếu không đủ điểm thi
vào lớp 10 trường công. Họ sẵn sàng chấp nhận đóng học phí cho con ở
trường dân lập cao hơn trường công gấp nhiều lần.
Ngay như anh Nam có con trai học Trường
THCS Huy Văn lắc đầu ngao ngán vì thấy con nói bài thi Văn làm không
tốt. Hai vợ chồng anh đã phải tìm hiểu trên địa bàn quận Đống Đa có 4
trường dân lập, THPT Nguyễn Văn Huyên, THPT Bắc Hà, THPT DL Einstein,
chi nhánh trường song ngữ quốc tế Horizon nhưng chỉ tuyển hơn 300 HS.
Với thu nhập của cả hai vợ chồng đều làm công ăn lương, họ không đủ khả
năng cho con học trường quốc tế mà ngay việc gồng mình gánh trường dân
lập nội cũng khá vất vả.
Trong khi đó, năm nay riêng ở địa bàn TP
Hà Nội có gần 72.000 thí sinh dự thi vào 10 nhưng chỉ tiêu tuyển sinh
trường công chưa đến 50.000 HS. Do vậy, sẽ có khoảng gần 20 nghìn HS
bắt buộc vào học ở 91 trường THPT ngoài công lập hoặc 31 TT GDTX. Tuy
nhiên, lựa chọn vào học trường dân lập vẫn là chủ yếu.
Theo như anh Nguyễn Văn Tuyên trú tại
phường Dịch Vọng – Cầu Giấy: Cho con học GDTX là vì gia đình thuộc diện
nghèo, vợ không nghề nghiệp, chồng đi làm xe ôm. Nếu gia đình có kinh
tế, con trượt trường công, tôi cho học dân lập vì dẫu sao cơ sở vật
chất, đội ngũ giáo viên ở đó cũng tốt hơn TT GDTX. Học dân lập con cái
vẫn có nhiều khả năng đỗ ĐH, CĐ chứ học GTDX chỉ cốt lấy được bằng bổ
túc cấp 3, phần lớn sau đó tính chuyện học nghề.
Thực tế chỉ tiêu tuyển sinh các tỉnh
thành trong những năm qua chỉ có khoảng 85% HS tốt nghiệp THCS đỗ vào
các trường THPT công lập, còn lại khoảng 15% phải học dân lập hoặc GDTX.
Để phụ huynh yên tâm gửi con theo học trường THPT dân lập hay GDTX chắn
chắn bài toán học phí, đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ cho hai hệ
thống trường học này là rất cần thiết.
-----------------------------------------------