Kết thúc ngày thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT
2013, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhận định, kỳ thi đã diễn ra
trật tự, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Thí sinh dự thi tại Hội đồng thi THPT Lương Thế Vinh (Q.1)
Ăn chè đậu đỏ cho... hên!
Ngày thi diễn ra vào Chủ nhật, đường sá thông thoáng, nên việc di
chuyển đến các điểm thi của thí sinh (TS) TP.HCM khá thuận lợi. Buổi
sáng, TS thi môn văn (150 phút). Dù 7g30 mới bắt đầu làm bài, nhưng TS
đã có mặt tại các hội đồng thi khá sớm. Trung tâm Giáo dục thường xuyên
Thanh niên xung phong (Hóc Môn) trở thành hội đồng thi đặc biệt nhất
trong kỳ thi năm nay tại TP.HCM với chín TS dự thi là những thanh niên
đang cai nghiện, nhưng có tới sáu giám thị coi thi, năm lãnh đạo hội
đồng, chín nhân viên phục vụ kỳ thi và một thanh tra; các TS cũng được
“chăm sóc” đặc biệt với các nhân viên y tế và cán bộ đưa đón luôn túc
trực.
Tại đây, từ 6g sáng, chín TS có tuổi đời ngấp nghé 30 đã có mặt để
chuẩn bị bước vào kỳ “vượt vũ môn”. Đây là lần thứ tư kể từ năm 2003,
trung tâm này tổ chức hội đồng thi đặc biệt cho những học viên “vượt qua
chính mình”. Ông Nguyễn Văn Viên, Phó chủ tịch Hội đồng coi thi giáo
dục thường xuyên Thanh niên xung phong cho biết: các thầy cô giáo đã
phải lên kế hoạch ôn tập với thời lượng lên đến 125 tiết, gấp đôi so với
chương trình bình thường. Dù không hy vọng các em đạt điểm cao, nhưng
kết quả của ba lần thi trước tỷ lệ đậu đều đạt trên 80%.
Những trường ngoài công lập chăm sóc TS chu đáo, bởi tỷ lệ đậu của
trường liên quan đến việc tuyển sinh. Tại trường THPT tư thục Thái Bình
(Q.Tân Bình), từ sáng sớm, ban giám hiệu đã đưa tiễn các em đi thi.
Trước đó, cả học sinh (HS) nội trú và ngoại trú đều vào trường uống cà
phê sữa, ăn sáng với món xôi đậu. Tối hôm trước, các thầy cô giáo cũng
đãi HS món chè đậu đỏ… cho hên.
Tương tự, tại trường THPT dân lập Thanh Bình (Q.Tân Bình) đã điều 13
xe buýt để chở gần 800 HS của mình đi thi tại tám hội đồng thi. Ngoài
việc đưa đi đến nơi, đưa về đến chốn, trong những ngày này, HS được phục
vụ ăn uống năm bữa: sáng, trưa, xế, chiều và tối. Sau mỗi môn thi,
những HS làm bài không tốt và những HS được đánh giá yếu sẽ được thầy cô
tiếp tục củng cố kiến thức nhằm lấy lại điểm cho những môn kế tiếp.
Thí sinh trước giờ thi môn văn tại Hội đồng thi Marie Curie Q.3, TP.HCM - Ảnh: Phùng Huy
Thí sinh thở phào
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Trưởng Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT 2013,
cho hay, đề thi được đảm bảo bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu,
không có sai sót.
Tại TP.HCM, kết thúc buổi thi môn văn, hầu hết TS đều thở phào nhẹ
nhõm. Thầy Hồ Hoài Khanh - giáo viên dạy văn Trường THPT Nhân Việt, nhận
định: “Đề thi văn có bố cục chặt chẽ, hợp lý, đánh giá được khả năng và
phân loại HS. Ở câu 1 yêu cầu TS thể hiện kiến thức văn học qua một
“chi tiết” của truyện ngắn “Thuốc” (Lỗ Tấn). Yêu cầu này là không quá
khó, không buộc TS phải học thuộc lòng, nhưng TS phải đọc và hiểu tác
phẩm. Đây là đòi hỏi của lối dạy và học văn tích cực. Câu 3, TS chọn một
trong hai đề liên quan đến truyện hoặc thơ, cũng không quá khó, nhưng
TS phải nắm vững kiến thức và kỹ năng, phương pháp làm bài. Dự đoán số
TS chọn phân tích thơ sẽ nhiều hơn và điểm số cũng sẽ nhỉnh hơn so với
các em chọn truyện”.
“Đặc biệt, ở câu 2 - nghị luận xã hội, đề thi đã lấy một hình ảnh có
thật là một HS lớp 12, ở Nghệ An, đã dũng cảm cứu được năm HS đuối nước
và bản thân bị dòng nước cuốn trôi vừa diễn ra cách nay hơn một tháng để
yêu cầu TS bày tỏ suy nghĩ là một đề “rất hay, thời sự và giàu tính
nhân văn, rất cần thiết và kịp thời để HS nhìn lại mình, nhất là trong
bối cảnh không ít các bạn trẻ đang chạy theo lối sống ích kỷ, yêu cuồng,
sống vội” - theo thầy giáo Nguyễn Đức Hùng - một giáo viên ôn luyện thi
môn văn (TP.HCM). Thầy Hùng cũng cho rằng, xu hướng ra đề “mở” như năm
nay là rất cần phát huy. Sau khi đọc kỹ đề thi, anh Tuấn - một phụ huynh
có con dự thi tại hội đồng thi Nguyễn Thượng Hiền, nhận xét: “Câu nghị
luận của đề thi hay, giúp giáo dục và định hướng cho HS vươn tới cái
đẹp”.
Thầy Lê Minh Tân - giáo viên dạy văn Trường THPT Lương Thế Vinh cho
rằng: đề văn năm nay ra đúng trọng tâm nội dung chương trình học,
rất vừa sức với HS, HS trung bình không quá khó để làm hết và đạt điểm
trung bình-khá.
Ở môn hóa học (buổi chiều, 60 phút), nhiều TS hoàn tất bài thi chỉ
sau 45 phút làm bài. Theo đánh giá của những giáo viên dạy môn này, nội
dung đề thi bám sát chương trình lớp 12, phù hợp với yêu cầu của kỳ thi
tốt nghiệp THPT. Số câu hỏi lý thuyết chiếm 32/40 câu, TS chỉ cần học
thuộc kiến thức trong SGK là có thể làm bài dễ dàng. Tám câu bài tập còn
lại thì cũng là những bài tập với mức tính toán đơn giản, không cần suy
luận nhiều. Nhìn chung đề thi tốt nghiệp môn hóa tương đối dễ, HS có
học lực trung bình dễ đạt 7-8 điểm.
Phao thi rải từ phòng ra tới cổng!
Xử lý nghiêm thí sinh vi phạm quy chế thi
Ông Nguyễn Vinh Hiển nhận định, không khí trường thi ở các hội đồng
coi thi trên toàn quốc nhìn chung trật tự, an toàn, vi phạm quy chế thi
đã được kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm túc. Tuy nhiên theo ghi nhận
của phóng viên ở nhiều hội đồng thi tại Hà Nội, ngay sau buổi thi đầu
tiên, TS đã vứt phao thi đầy đường. Tại hội đồng thi Trường THPT Phùng
Khắc Khoan (Thạch Thất, Hà Nội), con đường nhỏ chạy ngang cổng trường
đầy phao thi do TS vứt lại. Những hình ảnh tương tự cũng được ghi nhận
tại hội đồng thi Trường THPT Tân Lập (huyện Đan Phượng, Hà Nội) và THPT
Trần Quốc Tuấn (huyện Từ Liêm, Hà Nội). Tại hội đồng thi Trường THPT Lam
Sơn, Thanh Hóa, phao thi môn văn cũng được các TS vứt lại đầy trong sân
trường, hành lang, thậm chí là trong cả ngăn bàn của TS ngay sau khi
kết thúc buổi thi.
Tại Nghệ An, các hội đồng thi đã lập biên bản xử lý bốn trường hợp vi
phạm quy chế thi, trong đó ba TS đưa tài liệu và một TS đưa điện thoại
di động vào phòng thi, một cán bộ phục vụ dùng điện thoại di động trong
khu vực thi cũng đã bị xử lý kỷ luật.
Tại TP.HCM, ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho
biết: ngày thi đầu tiên đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, không có sự cố,
không có TS đi trễ quá 15 phút sau khi bóc đề; không có giám thị, TS vi
phạm quy chế; không ghi nhận trường hợp TS có mang những thiết bị,
phương tiện sai quy chế. Năm nay, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT cho phép thí
sinh được mang vào phòng thi các loại máy ghi âm, ghi hình, máy ảnh (chỉ
có chức năng ghi thông tin, không truyền được thông tin ra ngoài phòng
thi và không nghe được âm thanh, không xem được hình ảnh nếu không có
thiết bị hỗ trợ), khiến dư luận xôn xao. Tuy nhiên thực tế tại TP.HCM
không có TS nào đem theo những phương tiện này vào phòng thi.