Ngày càng nhiều sinh viên không còn hào hứng với vinh dự được chọn làm luận văn tốt nghiệp như trước kia nữa.
Thi hay làm luận văn?
Chọn làm luận văn hay thi tốt nghiệp luôn là chủ đề nóng của sinh viên (SV) các trường trong thời điểm gần đây.
Một buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM |
N. là SV năm cuối ngành tài chính - ngân hàng (khóa 2010 - 2014) của
Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM. Mặc dù nằm trong số ít SV được
chọn làm luận văn tốt nghiệp, N. và một số SV trong lớp đã từ chối làm.
Lý do là dù luận văn có được 10 điểm, điểm trung bình cuối năm của họ
vẫn không đạt được mức giỏi. Trong khi đó, làm luận văn tốt nghiệp phải
mất nhiều công sức, thời gian hơn rất nhiều so với thi tốt nghiệp.
An, SV khóa 2008 - 2011 Trường ĐH Văn Lang, cho biết khi An được chọn
vào danh sách đủ điều kiện làm luận văn tốt nghiệp, có rất nhiều người
khuyên An nên chọn thi tốt nghiệp vì tiết kiệm được thời gian, tiền bạc,
không quá căng thẳng...
Chủ đề “SV nên thi hay làm khóa luận?” trên diễn đàn SV Trường ĐH
Công nghệ thông tin TP.HCM gần đây thu hút rất nhiều ý kiến tranh luận.
Hàng chục SV đã góp ý kiến và tranh luận rất sôi nổi. Nhiều người khuyên
nên làm luận văn vì sau này hồ sơ xin việc sẽ có giá trị hơn. Số khác
cho rằng nên thi vì kiến thức phần học này có ích khi đi làm.
Tín chỉ hạn chế luận văn?
Theo PGS-TS Dương Anh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin
TP.HCM, trường cũng có nhiều SV được chọn làm luận văn tốt nghiệp nhưng
từ chối. Do học tín chỉ nên quy định của trường là luận văn cũng như một
cách tích lũy tín chỉ đủ để tốt nghiệp. Nếu SV không làm thì học thêm
10 tín chỉ (tương đương 3 môn học chuyên đề tốt nghiệp) cung cấp kiến
thức thực tế để đi làm. PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế
Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cũng cho biết có nhiều SV hiện nay không tha
thiết làm luận văn nữa. “Nhiều em từ chối làm để tập trung học hoàn
thành tín chỉ”, ông Ngãi thông tin.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ
thuật TP.HCM, cho biết ở một số trường, SV từ chối làm luận văn có lẽ
xuất phát ở chỗ coi luận văn của học chế tín chỉ giống như niên chế.
Nghĩa là các thầy vẫn giao khối lượng làm việc quá nặng so với sức SV
khiến SV bị “khớp”, sợ không đủ thời gian hoàn thành. “Nhiều năm trước,
lúc mới chuyển sang học chế tín chỉ, ở trường cũng xảy ra chuyện SV ngại
làm luận văn mà chọn học để hoàn thành tín chỉ. Sau đó trường phải tổ
chức hội thảo đóng góp ý kiến, tuyên truyền xem luận văn như đồ án để
hoàn thành tốt nghiệp thôi, sao cho vừa sức SV. Vì vậy, hiện nay SV của
trường lại… thích làm luận văn hơn”, ông Dũng thông tin.
Mất dần sáng tạo
Nhiều SV không muốn làm luận văn, đồ án tốt nghiệp vì không thấy…
hứng thú. Với nhiều SV, luận văn giống như một tác phẩm, công trình khoa
học đầu tiên nên phải có gì sáng tạo, mới mẻ nhưng với cách thức thực
giao - nhận đề tài tốt nghiệp hiện nay, những điều này không còn nữa.
Công thức mà nhiều trường áp dụng trong việc làm luận văn/đồ án tốt
nghiệp cho SV là các khoa chỉ định người hướng dẫn, sau đó giảng viên
đưa đề tài của mình ra cho SV chọn. Xác suất SV tự đưa đề tài để giảng
viên đồng ý rất thấp. Theo phó hiệu trưởng một trường CĐ, đa số giảng
viên phải hướng dẫn rất nhiều SV làm luận văn cả bên trong và bên ngoài
trường nên khi thấy đề tài mới thì ngại hướng dẫn. Từ đó, các giảng viên
“áp” SV làm đề tài của mình đưa ra cho chắc chắn và nhẹ nhàng.
Hơn nữa, không phải lúc nào SV cũng có nhiều đề tài lựa chọn. Chưa kể
chỉ có bao nhiêu vấn đề mà đã được “cày xới” nhiều năm qua nên đã quá
cũ, SV không được sáng tạo trong việc tìm tòi khiến không hào hứng khi
thực hiện luận văn/đồ án.
Theo phó hiệu trưởng một trường ĐH, tình trạng này là do các trường
thiếu giảng viên cơ hữu. Một người phải hướng dẫn quá nhiều SV, trong
khi để giúp SV hoàn thành tốt luận văn, giảng viên phải bỏ ra rất nhiều
công sức. Nếu SV đề nghị làm đề tài mới, giảng viên cũng phải tìm hiểu
để hướng dẫn, vì vậy giảng viên thích đưa SV đề tài đã có sẵn tài liệu
và mình nắm rõ. Tại Khoa Ngân hàng của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, thống
kê cho thấy trong giai đoạn từ 2003 - 2011 có hơn 1.200 SV tốt nghiệp
tất cả các hệ. Trong khi đó, số lượng giảng viên của khoa chỉ có bình
quân 30 người. Như vậy, một năm mỗi giảng viên phải hướng dẫn khoảng 45
SV làm luận văn.
-----------------------------------------------