Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

Làng nông dân mê âm nhạc

Hiếm có làng nào yêu văn nghệ như Báo Đáp (xã Hồng Quang, Nam Trực, Nam Định). Người nông dân ở đây cứ ngơi việc là lại tìm đến các loại nhạc cụ mình yêu thích. Người già dạy cho người trẻ, bao nhiêu năm qua họ cứ thắp niềm đam mê như thế, để cho vùng quê thanh bình này lúc nào cũng đẹp và nên thơ.



Những người nông dân yêu âm nhạc ở Báo Đáp

Muốn vào làng Báo Đáp có hai đường, nhưng đường nào cũng phải qua những cánh đồng xanh bát ngát. Khách phương xa đến làng, như "rơi” vào một thế giới khác. Là ngôi thánh đường uy nghiêm cổ kính, nhiều ngôi nhà mái ngói rêu phong, những con đường, ngõ xóm được lát gạch nghiêng. Thi thoảng trong con ngõ, một lớp học nhỏ lại vang lên tiếng đàn du dương, hoặc tiếng luyện kèn Tây hào sảng. Ở Báo Đáp, nhiều em nhỏ có thể chơi được hai ba loại nhạc cụ, đó là violon, organ, nhưng sôi động nhất là Đoàn kèn đồng của người lớn, chuyên phục vụ các buổi lễ, giao lưu. Tất cả những điều đó tạo nên không khí thanh bình nhưng rất nên thơ của một vùng quê. 

Hỏi chuyện ông Bùi Đắc Điềm, thầy dạy âm nhạc, ông tự hào nói quê hương mình có nhiều nghệ sĩ và họ đều là những người yêu đời. Ông kể, vốn âm nhạc của mình có được là do các cha xứ bồi đắp và rồi tình yêu âm nhạc cứ thế nhân lên. Rồi nhiều "nghệ sĩ làng” cũng noi gương ông, học âm nhạc và sắp xếp thời gian để cùng đi biểu diễn. Họ là những hạt giống để làng âm nhạc phát triển. Sau đó, những người thầy này lại đi dạy ở khắp nơi, xây dựng các Đoàn kèn ở các giáo xứ khác. Tuy nhiên, các thầy dạy không lấy tiền, đó là điều rất đáng quý. Họ cũng xác định dạy là để phát triển phong trào, chứ không phải là đi làm kinh tế. Với họ càng có nhiều học trò học, đam mê càng tốt.

Chính vì niềm đam mê và khát vọng ấy, những "nhạc sĩ làng” này đã đầu tư công sức, tâm huyết dạy các em hết những "vốn liếng” mà mình có như kèn Tây, violon, piano, organ, tam thập lục, đàn tranh, đàn nguyệt... Nhiều con em của làng đã thi đỗ vào các trường cao đẳng nghệ thuật trong cả nước và thành đạt. Tất cả là nhờ nỗ lực của những người tâm huyết với âm nhạc của làng. Ngoài ra, bà con còn thành lập Đoàn kèn đồng (còn gọi là kèn Tây) của làng gồm 62 thành viên, vào các ngày lễ lớn, những thành viên yêu văn nghệ này có mặt đầy đủ. Đây là Đoàn kèn được đánh giá là chuyên nghiệp nhất trong các xứ đạo cả nước. Đoàn được tổ chức chặt chẽ, hài hòa, có đoàn trưởng, đoàn phó và người chuyên dạy những bài mới, người chỉ huy nhạc. Đoàn trưởng kèn Tây Báo Đáp là ông Nguyễn Tri Phương, vốn là một người nông dân thuần túy, nhưng khi ngơi công việc nhà nông, ông lại cùng anh em trong đoàn luyện tập, đi thổi kèn giao lưu, hoạt động trong các ngày lễ... "Không chỉ những ngày lễ của làng, lễ của các nhà thờ họ mà trong đám hiếu các thành viên cũng tham gia nhiệt tình.
 
Để có những chiếc kèn Tây, organ hay cây violon, người dân làng Báo Đáp phải tích cóp, vay mượn, thậm chí bán đất lấy tiền mua. Từ bờ tre, gốc lúa, từ làng quê mảnh đất thành Nam luôn cất lên tiếng nhạc, tiếng đàn. Người nông dân Báo Đáp đã viết lên cuộc sống đầy niềm tin, như lúc nào cũng là mùa xuân, do đó họ luôn trẻ và giàu có niềm vui.
-----------------------------------------------

Nặc danh

About Nặc danh

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :