Mấy ngày qua
các diễn đàn văn hóa sôi lên sùng sục vì bài trả lời phỏng vấn của nhạc
sĩ Nguyễn Ánh 9. Người đồng tình rất đông và người phản đối cũng rất
đông.
Đặc biệt, vài ca sĩ được mệnh danh là
ngôi sao nhưng bị vị nhạc sĩ cao niên thẳng thắn góp ý đã tỏ thái độ khá
gay gắt. Sự kiện này thêm một lần chứng minh đời sống showbiz của nước
ta đang tồn tại quá nhiều bất cập!
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9
Nhìn nhận một cách khách quan, những
nhận xét của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 không có gì khắt khe hay phiến diện.
Đúng sai ở mức độ nào thì cần trao đổi thêm, nhưng công khai bày tỏ quan
niệm thẩm mỹ của mình là một hành động cần biểu dương. Thế nhưng, vì
sao dư luận ồn ào vì những lời như vậy?
Rất đơn giản, những đánh giá về Đàm
Vĩnh Hưng, Thanh Lam, Hồng Nhung hay Mỹ Tâm lâu nay vốn chỉ được giới âm
nhạc nói ở… vỉa hè. Ai cũng sợ trách nhiệm, ai cũng sợ mếch lòng, ai
cũng sợ phiền lụy. Bởi lẽ ấy, showbiz chỉ quẩn quanh những câu tán dương
nhạt nhẽo và rẻ rúng!
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã rất có lý khi
cho rằng: “Tôi chỉ mong muốn duy nhất là có nhiều nghệ sĩ tử tế và người
nghe nhạc tử tế. Tất cả những gì cứ để thử lửa đi, đốt cách mấy thì
vàng cũng vẫn là vàng!”. Tuy nhiên, khi các đồng nghiệp hào hứng giai
điệu trầm bổng chỉ quen vuốt ve và xun xoe lẫn nhau thì những phân tích
rạch ròi của Nguyễn Ánh 9 bỗng trở nên… lạc loài.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng
Giữa bối cảnh son phấn chen lấn hôm
nay, các loại ngôi sao tự huyễn hoặc khoác lên mình tấm áo lấp lánh vốn
quá khổ với họ. Do nổi tiếng bằng nhiều cách, chứ chưa hẳn bằng tài
năng, nên các ngôi sao thị trường không kịp trang bị bản lĩnh văn hóa để
làm người của công chúng.
Từ đó, một căn bệnh quái gở di căn vào
tâm hồn các ca sĩ sớm nở tối tàn: được khen thì tự đắc, bị chê thì tức
giận! Nếu tin chính mình là một giá trị thì mọi lời khen chê đều không
thể lay chuyển tinh thần sáng tạo!
Cuộc đôi co ầm ĩ giữa nhạc sĩ Nguyễn
Ánh 9 và vài ngôi sao thời thượng, phần lỗi thuộc về ai? Dẫu có kẻ hậu
sinh gọi bậc tiền bối là “ngụy quân tử” thì cũng không cần bắt lỗi, vì
với cái phông văn hóa khập khiễng của những “ông hoàng” hoặc những “bà
chúa” chỉ quen hít thở không gian nước hoa choáng ngợp hãnh tiến, thì
chúng ta không thể đòi hỏi ở họ cách ứng xử lịch thiệp!
Để xảy ra thảm cảnh này do lỗi của ngành lý luận phê bình âm nhạc!
Hội Nhạc sĩ Việt Nam có cả chuyên
ngành lý luận phê bình. Các nhạc viện cũng có khoa lý luận phê bình. Vậy
xin hỏi, các nhà phê bình âm nhạc đang ở đâu? Thành tâm mà nói, phê
bình là thứ nghề thêm… thù bớt bạn, nhưng ai cũng nhắm mắt bịt tai thì
những điều tồi tệ sẽ hoành hành và làm tổn thương những điều tốt đẹp!
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã làm một phép
thử để khẳng định showbiz chưa quen nói thật. Chưa quen rồi sẽ quen, vì
xã hội đang tiến bộ từng ngày!
-----------------------------------------------