Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

“Đột phá” thi cử: phải có phương án dài hơi

Khi phương án đổi mới thi và xét tốt nghiệp THPT đang được cân nhắc với nhiều ý kiến trái chiều thì nhiều chuyên gia lại cho rằng nên nghiên cứu để xây dựng một phương án dài hơi hơn, tiệm cận được với lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Thí sinh làm thủ tục trước khi vào phòng thi môn tiếng Anh kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 tại hội đồng thi Trường THPT Nguyễn An Ninh, Q.10, TP.HCM

Chia sẻ với Tuổi Trẻ về điều này, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, bày tỏ: “Khi đã chọn đổi mới thi cử là giải pháp mang tính “đột phá” có sức lan tỏa trong cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT thì phương án đổi mới thi cũng phải thể hiện được tính “đột phá” đó. Một phương án đảm bảo được vai trò này, theo tôi, cần đạt được các yêu cầu: đánh giá khách quan trình độ của học sinh, chống được tiêu cực vốn tồn tại trong GD-ĐT, đặc biệt trong thi cử; có tác động ngược trở lại để nâng cao chất lượng dạy và học; tổ chức thi cử nhẹ nhàng, không nặng nề hơn mức cần thiết”.
* Dự thảo đổi mới thi và xét tốt nghiệp đang được Bộ GD-ĐT trưng cầu ý kiến liệu có phù hợp với giải pháp “đột phá” ở giai đoạn đầu mà GS vừa nói không?
- Tôi nghĩ dự thảo đó có ưu điểm là giảm nhẹ áp lực thi cử bằng việc giảm số môn, cho phép học sinh tự chọn môn thi theo yêu cầu. Nhưng một giải pháp “đột phá” thì phải rất căn cơ, không thể thay đổi liên tục theo “tình thế”, mặc dù có thể xác định một lộ trình với những bước đi tiếp nối nhau rõ ràng. Lộ trình cụ thể này phải được thông báo rộng rãi, công khai, càng sớm càng tốt cho các cơ sở giáo dục và học sinh.
Ảnh: Nguyễn Khánh
"Một giải pháp “đột phá” cần có lộ trình thực hiện nhưng không nên xác định mốc cuối của lộ trình dài quá, cũng không nên bị chi phối bởi tâm lý “đợi chương trình - sách giáo khoa mới” mà để học sinh đang học chương trình hiện hành bị gạt ra ngoài công cuộc đổi mới giáo dục"
GS NGUYỄN MINH THUYẾT
Nói cụ thể về dự thảo đổi mới kỳ thi tốt nghiệp phổ thông lần này, việc học sinh chỉ thi bốn môn trong khi học 13 môn sẽ tạo ra tâm lý “nhất bên trọng, nhất bên khinh”, vừa không đạt mục tiêu giáo dục toàn diện, vừa dẫn tới phân biệt môn chính, môn phụ, phân biệt thứ hạng trong đội ngũ giáo viên. Vì thế, tôi cho rằng nên nghiên cứu những phương án khác như chỉ thi tập trung ba môn công cụ là toán, ngữ văn, ngoại ngữ; các môn còn lại thi theo hình thức “cuốn chiếu” trong quá trình học tập. Có những môn học có thể thi kết thúc ở lớp 10, 11.
Theo đó, chương trình có thể phân bố lại để các môn có thời điểm kết thúc khác nhau. Hoặc sau khi học sinh thi hết môn mà chương trình môn đó vẫn tiếp tục thì vẫn phải làm một số bài kiểm tra cuối học kỳ, cuối năm hoặc để cộng điểm theo một trọng số nhất định vào kết quả thi hết môn. Đây là cách để đánh giá học sinh toàn diện, chính xác, hạn chế tình trạng đối phó của học sinh như hiện nay.
Ngoại ngữ phải là môn thi bắt buộc
* Trong phương án đổi mới thi của Bộ GD-ĐT, môn ngoại ngữ gây nhiều tranh cãi nhất. Theo GS, ngoại ngữ nên quy định thi bắt buộc hay có thể là môn thi tự chọn, môn thi khuyến khích? Với một phương án thi cử dài hơi thì cần có điều chỉnh nào với môn thi này?
- Theo quan điểm của cá nhân tôi thì ngoại ngữ cũng như toán, ngữ văn là các môn học công cụ, trong đó ngoại ngữ vô cùng cần thiết cho người học hiện nay và tương lai trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Vì thế môn ngoại ngữ cần phải là môn thi bắt buộc. Nhưng năm 2014 khi cả nước chưa chuẩn bị đủ điều kiện để thi bắt buộc thì nên để ngoại ngữ là môn thi tự chọn. Tuy vậy, cùng với quy định riêng cho năm nay, Bộ GD-ĐT cần đưa ra được lộ trình. Ví dụ bao nhiêu năm nữa sẽ thi ngoại ngữ bắt buộc, hình thức thi, nội dung thi sẽ thay đổi như thế nào. Việc công bố này tác động đến quá trình dạy học. Làm được việc này thì mới đúng tính chất của giải pháp “đột phá”.
* Theo ông, cần phải có những điều chỉnh ở khâu nào của kỳ thi tốt nghiệp?
- Điều này tôi nói từ lâu rồi là nên giao kỳ thi cho các sở GD-ĐT tổ chức và đừng lấy kết quả tốt nghiệp THPT của các tỉnh, thành làm căn cứ xét thi đua, đánh giá chất lượng giữa các tỉnh, thành với nhau. Mỗi địa phương một hoàn cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội không giống nhau thì thi đua thế nào? Đó là cách giảm bệnh thành tích, từ đó giảm tiêu cực và áp lực cho học sinh và cho chính ngành GD-ĐT của các địa phương.
Tuần này sẽ công bố phương án đổi mới thi và xét tốt nghiệp THPT
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, trong tuần này Bộ GD-ĐT sẽ có quyết định chính thức về phương án thi và xét tốt nghiệp THPT trên cơ sở phân tích và điều chỉnh theo những ý kiến góp ý. Phương án đổi mới nhằm giảm áp lực của kỳ thi, đánh giá khách quan hơn đối với học sinh ngay trong kỳ thi năm nay nhưng sẽ có tính kế tiếp và hoàn chỉnh vào các năm tiếp theo nhằm tiệm cận với hướng đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Theo dự kiến, phương án đổi mới thi hoàn chỉnh mang tính “đột phá” sẽ được công bố sớm vào đầu năm học sau để học sinh tốt nghiệp THPT năm sau có thời gian chuẩn bị, đón nhận.
Đề thi cũng cần bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản, để học sinh có trình độ trung bình đều đạt yêu cầu. Với một kỳ thi nhẹ nhàng, đúng mức như thế cũng không nên đề ra chuyện miễn thi 20% đối với học sinh giỏi như dự thảo phương án đổi mới đưa ra. Thi tốt nghiệp là kỳ thi công nhận hoàn thành chương trình học thì mọi học sinh (trừ học sinh đau ốm, bị tai nạn, học sinh phải dành quá nhiều thời gian cho việc thi Olympic quốc tế, khu vực) cần tham gia.
Để các trường tự quyết định tuyển sinh
* Có nhiều chuyên gia cho rằng trong tiến trình thực hiện “đổi mới thi cử mang tính đột phá”, cần hướng tới một kỳ thi quốc gia duy nhất để xét tốt nghiệp THPT và là căn cứ tuyển sinh ĐH - CĐ. Ông có ủng hộ ý kiến này?
- Tôi cho rằng việc tuyển sinh ĐH - CĐ thuộc quyền tự chủ của các trường ĐH - CĐ, cần để các trường tự quyết định. Tùy theo mục tiêu đào tạo và điều kiện cụ thể của trường mình, nhà trường có thể tuyển tất cả những ai có bằng tốt nghiệp phổ thông vào học (theo kiểu “ghi danh” như ở nhiều nước và tại miền Nam nước ta trước đây) hoặc quy định những học sinh đạt kết quả thi phổ thông như thế nào mới đủ điều kiện dự tuyển vào trường mình.
Để được nhập học vào các trường ĐH tốp trên, ở nước nào cũng vậy, những học sinh đạt điều kiện dự tuyển phải hoàn thành những bài kiểm tra, bài thi mang tính sàng lọc.
Ở một số nước, nhiều trường ĐH có thể căn cứ kết quả thi tốt nghiệp phổ thông để tuyển sinh vì số lượng người muốn học ĐH không vượt quá khả năng của các trường như tại VN, mặt khác, các trường ĐH đều có sự sàng lọc rất khắt khe trong quá trình đào tạo.
Trong hoàn cảnh nước ta, tâm lý bằng cấp và tình trạng xuê xoa, dễ dãi, thậm chí tiêu cực còn nặng nề thì điểm thi tốt nghiệp phổ thông chưa phản ánh được đúng thực chất kết quả học tập. Bởi vậy, những trường áp dụng hình thức tuyển sinh “ghi danh” cần đảm bảo điều kiện đào tạo tốt và tăng cường sàng lọc, nếu muốn sinh viên tốt nghiệp trường mình được thị trường lao động tin cậy đón nhận.
* Nhưng nếu kỳ thi phổ thông quốc gia được cải tiến về hình thức thi, đề thi đủ để đảm bảo độ tin cậy, thí sinh không thi theo khối mà hoàn thành các bài thi khác nhau phù hợp với yêu cầu đào tạo của các trường khác nhau thì kết quả thi này có thể sử dụng tốt hơn để tuyển sinh?
- Kể cả khi điều đó làm được thì tôi vẫn cho rằng cần dành quyền chủ động cho các trường ĐH. Về lâu dài, nếu kết quả thi phổ thông nghiêm túc, chính xác thì cũng chỉ là một căn cứ để xét tuyển bên cạnh các điều kiện khác. Nếu tổ chức một kỳ thi quốc gia “hai trong một”, xét tốt nghiệp và xét tuyển thì kỳ thi vẫn nặng nề, Bộ GD-ĐT vẫn phải đứng ra tổ chức, mà tôi luôn cho rằng Bộ GD-ĐT cần dành thời gian tâm sức làm công tác quản lý nhà nước chứ không nên đi “ôm” việc tổ chức các kỳ thi.

-----------------------------------------------

Nặc danh

About Nặc danh

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :