Theo số liệu của
Bộ GD-ĐT, có 31 trường ĐH, CĐ công bố đề án tuyển sinh riêng, nếu được
Bộ chấp thuận, các trường này sẽ tuyển sinh theo các phương án mới ngay
trong năm nay. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi
Văn Ga xung quanh các đề án này.
Có thể sửa đổi quy chế tuyển sinh cho phù hợp
Theo đề án tuyển sinh riêng của
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, năm nay trường này vẫn thi “3 chung” nhưng
không nhận hồ sơ của thí sinh thi nhờ (dự thi vào trường này nhưng lấy
kết quả xét tuyển nguyện vọng 1 vào trường khác). Điều này có làm ảnh
hưởng đến quyền lợi của thí sinh và vi phạm quy chế thi hiện hành hay
không, thưa ông?
Năm nay, Bộ đã cho phép các trường được
tự chủ tuyển sinh, vì vậy những trường có đề án tuyển sinh riêng sẽ được
tuyển theo cách riêng của mình mà không phải tuân thủ quy chế thi “3
chung” như trước đây.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn tham gia
thi “3 chung” nhưng thực hiện sơ tuyển trước khi thi, vì thế chỉ những
thí sinh qua vòng sơ tuyển mới được nộp hồ sơ dự thi vào trường. Quy
trình nộp hồ sơ của trường cũng có nhiều thay đổi nên những thí sinh
muốn thi nhờ sẽ không nộp được hồ sơ theo phương án của trường. Nếu các
đề án được triển khai thì quy chế thi năm nay cũng sẽ phải sửa đổi theo
những tình hình mới. Tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng với những trường có
đề án riêng chứ không phải trường nào cũng được thực hiện. Như vậy sẽ
không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh vì các em còn nhiều cơ
hội đăng ký thi nhờ ở các trường khác.
Trừ một vài trường văn hóa nghệ
thuật, hầu hết các đề án tuyển sinh riêng đã được công bố thì không có
trường nào thật sự thi riêng mà vẫn tham gia thi hoặc xét tuyển từ kết
quả của kỳ thi “3 chung”. Các trường chủ yếu thực hiện xét tuyển những
ngành khó tuyển từ kết quả THPT của thí sinh. Bộ có chấp thuận những đề
án đó hay không?
Đúng là có không ít đề án đề nghị lấy
kết quả tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ĐH, đặc biệt là ở những ngành
khó tuyển. Theo tôi, những phương án này là phù hợp vì đây là năm đầu
tiên thí điểm thi riêng, các trường chỉ áp dụng ở một số ngành có ít thí
sinh đăng ký để rút kinh nghiệm. Đối với những ngành khó tuyển sinh mà
xã hội đang cần đào tạo thì việc áp dụng phương pháp xét tuyển cũng sẽ
là cơ hội để tuyển được thí sinh.
Phải có ngưỡng đảm bảo chất lượng
Như vậy Bộ chấp thuận việc dùng kết
quả tốt nghiệp THPT để làm chuẩn xét tuyển vào ĐH, trong khi kết quả này
trên thực tế chưa được xã hội tin tưởng. Điều này có mâu thuẫn với chủ
trương nâng cao chất lượng đào tạo hay không?
Sử dụng kết quả học tập phổ thông để xét
tuyển vào ĐH là quyền của các trường. Nghị quyết đổi mới GD-ĐT đã cho
phép các trường ĐH được kết hợp sử dụng kết quả học tập phổ thông để làm
căn cứ tuyển sinh vào ĐH. Tuy nhiên, việc sử dụng kết quả đó như thế
nào để đảm bảo chất lượng là điều cần quan tâm. Vì vậy, trong đề án
tuyển sinh riêng, Bộ yêu cầu mỗi trường phải đưa ra được ngưỡng đảm bảo
chất lượng. Ngưỡng đó phải đảm bảo xét tuyển được những thí sinh có chất
lượng chứ không phải là chỉ tốt nghiệp THPT là được xét tuyển vào ĐH.
Ngưỡng đó tối đa cũng chỉ cho phép khoảng 60% thí sinh tốt nghiệp THPT
đủ điều kiện xét tuyển (điểm tốt nghiệp và kết quả học tập THPT từ 6
hoặc 6,5 trở lên).
Khả năng có bao nhiêu trường được thực hiện đề án tuyển sinh riêng trong năm nay, thưa ông?
Hầu hết những đề án được công bố là đã
có sự tham gia đóng góp ý kiến của Bộ, vì vậy khả năng được triển khai
là rất cao. Kế hoạch ban đầu ngày 10.2 là thời hạn cuối nhận đề án tuyển
sinh riêng để Bộ xem xét và quyết định trước 10.3. Tuy nhiên, do Tết
Nguyên đán nghỉ dài nên sẽ lùi lại đến khoảng cuối tháng 2. Khi chính
thức ban hành quy định về việc tuyển sinh, Bộ sẽ thông báo thời gian
này. Dự kiến, năm nay sẽ có khoảng hơn 20 trường thực hiện đề án tuyển
sinh riêng, trong đó có 10 trường văn hóa nghệ thuật đã được thực hiện
từ năm 2013.
-----------------------------------------------