Năm học 2013 - 2014 sẽ là năm
các “heo vàng” sinh năm 2007 vào lớp Một. Ở thời điểm này, “cuộc đua” để
giành một “suất” trái tuyến cho con vào lớp Một trường “điểm” của các
phụ huynh Thủ đô thực sự căng thẳng.
Nhiều phụ huynh sẵn sàng bỏ ra cả ngàn USD để mua một suất học trái tuyến cho con |
Công khai môi giới trên mạng
Suốt cả tháng qua, chủ đề trường lớp cho
cô con gái đầu luôn được gia đình chị Mai H., nhân viên Ngân hàng
Agribank Cầu Giấy ưu tiên. Chị cho biết: “Trước cháu học Trường Mầm non
Thăng Long Kids với tiêu chuẩn quốc tế. Nếu theo đúng kiểu đào tạo “tự
do phát triển” của trường mầm non thì cháu nên học tiểu học (TH) dân
lập, nhưng ông xã tôi lại lo ngại kiến thức theo tiêu chuẩn “quốc tế” sẽ
không theo nổi chương trình công lập khi con vào cấp 3, đại học. Hộ
khẩu nhà tôi ở phường Dịch Vọng, đúng tuyến cháu học ở Trường Tiểu học
(TH) Dịch Vọng B, nhưng tôi lại xin cho cháu sang trường khác vì nghe
nói chất lượng trường này tốt hơn. Mất 1.000 USD đấy”.
Tại các cơ quan, quán cafe hay trên các
trang mạng, phụ huynh sôi nổi bàn luận, chia sẻ kinh nghiệm chuẩn
bị vào lớp Một của con, từ chuyện chọn trường, chọn cô cho con,
đến chuyện phương pháp giáo dục, hệ thống cơ sở vật chất,
chất lượng bán trú, cá tính, thâm niên giảng dạy của từng cô
giáo... và cách “chạy” vào trường điểm, chạy “suất” trái tuyến...
Trên lamchame.com, nick tuenhi0611 bật mí: “Mất 1.300 USD vào lớp Một
trường KL”. Nhìn chung, giá một suất trái tuyến vào trường TH được coi
là “điểm” như KD (quận Ba Đình), DVA, NT (quận Cầu Giấy), NTC, KL
(quận Đống Đa)... là 500 - 1.300 USD, tùy mối quan hệ. Đáng lo ngại,
trên mạng còn công khai xuất hiện những “cò” chạy “suất” trái
tuyến. Liên hệ chủ nhân số điện thoại 0120.2020.299 trên mạng
webtretho.com với lời quảng cáo: “Nhận xin vào Trường TH Bình Minh (quận
Hoàn Kiếm)”, PV được yêu cầu để lại các thông tin để liên lạc lại. Sau
đó, người này gọi lại và cho một số điện thoại khác, giới thiệu đây là
chị H. - người trực tiếp sẽ đưa học sinh vào trường. Chị H. yêu cầu PV
làm photo sổ hộ khẩu, giấy khai sinh của con và đơn xin học kèm theo “3
vé” (300 USD - theo PV) với lời cam kết chắc nịch: “Không vào được
trường sẽ hoàn lại tiền, đây là làm trực tiếp nên mức phí “mua suất” mới
thấp thế”.
Quá tải tạo áp lực
Việc phụ huynh tìm mọi cách “vượt tuyến
chạy đua vào trường điểm” đã khiến sĩ số của các trường TH có
“thương hiệu” ở nội đô như: Hoàng Diệu, Kim Đồng, Kim Liên, Nghĩa
Tân, Dịch Vọng A, Nam Thành Công... đều xấp xỉ 60 học sinh (HS)/lớp
và non nửa số HS là trái tuyến. Cuộc “chạy đua” chọn trường của
các bậc phụ huynh không chỉ tạo áp lực cho chính họ, mà còn gây áp lực
cho cả các trường và ngành Giáo dục, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Khi mà sĩ số các lớp học lên đến 50 - 60 HS, bàn ghế lớp học
được kê sít nhau, cô giáo phải giảng bài bằng micro, giáo viên không có
điều kiện quan tâm tới từng HS, HS cũng phải chen chúc trong không gian
chật hẹp...
Ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó giám đốc Sở
GD&ĐT Hà Nội cho biết, năm học 2013 - 2014, Hà Nội dự kiến tuyển
125.400 HS lớp Một, tăng 11.000 HS so với năm học trước. Việc gia tăng
số lượng này là do hệ lụy của năm “heo vàng”, cũng là do số người nhập
cư đổ về Hà Nội ngày một tăng. Sự gia tăng này tạo áp lực cho ngành Giáo
dục, và áp lực càng tăng hơn khi HS trái tuyến đổ đông về một số
trường. Lý do chính phụ huynh xin học trái tuyến cho con là muốn con
mình được học tập ở ngôi trường có cơ sở vật chất tốt, thầy, cô giáo
giỏi. “Nhưng tôi khẳng định Hà Nội không có trường điểm và chưa có tiêu
chí nào để xác định, chỉ có tiêu chí về trường chất lượng cao đang được
xây dựng. Tất cả trường đều có sách giáo khoa và nội dung giáo viên phổ
biến trên lớp như nhau, chỉ có khả năng truyền đạt khác nhau. Do vậy
thông tin trường nọ trường kia tốt, là trường điểm chỉ là đồn thổi trong
dân” - ông Nguyễn Hiệp Thống nhấn mạnh.
-----------------------------------------------