Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Buông xuôi chờ… giáo dục?

Những tin tức buồn từ nhà trường suốt những ngày qua khiến chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc hơn về môi trường giáo dục. Thầy trò đánh nhau, thầy hiệu phó dùng kéo cắt tiền ngay giữa cuộc họp…những hành động gây sốc nhưng không hề khó hiểu.
Ngày 24/2, Ban giám hiệu trường THPT Nguyễn Huệ (Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định) đã báo cáo kết quả kỷ luật vụ “thầy trò đánh nhau” trên lớp lên Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Định.
Thầy giáo Trần Anh Tuấn, giáo viên hợp đồng môn Hóa trường THPT Nguyễn Huệ tự kiểm điểm và xin nhận kết quả kỷ luật thôi việc. Em học sinh bị thầy đánh đã bị khiển trách vì thái độ thách thức, em học sinh đánh thầy bị cảnh cáo, em học sinh quay clip không bị kỷ luật gì.
Thế là xong một vụ đánh nhau làm xấu mặt cả ngành giáo dục (tất nhiên chỉ với những ai còn biết xấu hổ mà thôi), nhưng những vết thương mà nó để lại thì không biết bao giờ lành. Nó khiến những người đang trong vai trò phụ huynh học sinh như tôi cảm thấy lo lắng khôn nguôi.
Vì nhà trường giờ không còn là một môi trường trong lành và thân thiện như xưa nữa, tình thầy trò không còn thiêng liêng nữa, đã đổ đốn đến mức xông vào đánh nhau như dân xã hội đen rồi. Còn dạy bảo nhau những điều hay lẽ phải, cái đẹp, tính thiện, lòng nhân được nữa hay chăng?
Trong cuộc tranh luận khá gay gắt về sự xuống cấp của môi trường giáo dục ngày nay trên mạng xã hội, tôi dù rất buồn nhưng cũng phải tạm nghiêng về ý kiến của một đồng nghiệp.
 Hình ảnh cắt từ clip thầy trò đánh nhau ở Bình Định.
Hình ảnh cắt từ clip thầy trò đánh nhau ở Bình Định.
Rằng hãy cao nghề giáo cũng chỉ là một nghề bình thường, giáo viên cũng chỉ là người làm công ăn lương bình thường, đừng khoác cho họ danh xưng “cao quý”, “kỹ sư tâm hồn” để xã hội đỡ sốc vì những chuyện phi giáo dục, phi văn hóa.
Mới đây báo lại đăng chuyện thầy hiệu phó Hiệu trưởng Trường THCS Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) dùng kéo cắt gần 2 triệu đồng ngay trong cuộc họp của nhà trường.
Tiền ấy là tiền phần trăm chi cho công tác quản lý học sinh ôn thi, nhưng chắc là việc chia chác khiến thầy không hài lòng, thầy cắt vụn ra cho bõ tức.
Có lẽ những người thầy, người cô đang chịu quá nhiều những áp lực, cũng phải chi hàng trăm triệu để có một chỗ dạy nên họ có quyền bình đẳng như bất cứ ai trước sự xuống cấp và suy thoái về đạo đức chung của cả xã hội này.
Nhưng càng nghĩ lại càng buồn, chấp nhận điều đó liệu có đồng nghĩa với việc chúng ta đã đầu hàng rồi chăng? Và những đứa trẻ của chúng ta rồi sẽ ra sao khi chúng phải đối mặt với tất cả những ô trọc của cõi đời này quá sớm? Thay vì nhìn vào những tấm gương của thầy cô, chúng sẽ phải chấp nhận chuyện bán mua điểm chác, dịch vụ giáo dục, thầy trò đánh cãi sỉ vả nhau như lẽ dĩ nhiên?
Cái chữ “Đạo” trên đời quan trọng lắm, ở bất cứ lĩnh vực ngành nghề nào cũng vậy, không giữ được “Đạo” thì mất hết, tất cả chúng ta rồi sẽ chỉ trở thành nạn nhân của những tráo trở lọc lừa lẫn nhau.
Chị hàng ăn cho người tiêu dùng ăn đồ thiu thối hóa chất, con chị đi học sẽ gặp phải thầy chẳng ra thầy. Thầy góp cho xã hội những đứa học trò hư hỏng, tiền có được từ việc dạy dỗ học trò cũng chỉ để mua về thứ thực phẩm thiu thối hóa chất mà thôi.
Rồi đời sống này, cộng đồng này sẽ đi vào đâu nếu cứ lẳng lặng tuân theo một vòng xoáy như thế?
Hơn lúc nào hết, tôi ước sao tất cả mọi người có thể nhận từ những scandal của ngành giáo dục gần đây một thông điệp nguy cấp và sống còn, đó là đạo đức xã hội đã lâm nguy thật sự rồi đó. Lửa đã bén đến lưng áo mình rồi, không thể thờ ơ thêm được nữa.
Nếu môi trường nhà trường đã không còn như trước, thì mỗi người làm cha làm mẹ càng phải chú ý bảo ban giáo dục con cái mình nhiều hơn, kỹ lưỡng chi tiết hơn, chứ đừng buông xuôi, đừng phó mặc. Đừng trao toàn bộ đứa trẻ cho nhà trường, vì nhỡ đâu, nó sẽ gặp phải một người thầy không ra thầy.
Cho dù nghề giáo mỗi ngày lại xuất hiện thêm những con người tồi tệ hơn, nhưng tất cả chúng ta không được buông xuôi. Mỗi người trưởng thành chúng ta hãy cố gắng sống cho sống để giúp cho những đứa trẻ không cảm thấy hoang mang khi nghĩ về cuộc đời.
Bởi nếu đem đến cho tương lai những thế hệ khuyết tật về nhân cách, thì người có lỗi là toàn xã hội này, không chừa một ai. Chúng ta không thể vô trách nhiệm mà đổ lỗi cho những thầy giáo đánh trò hay thầy giáo cắt tiền kia, dù có đông nhưng họ vẫn chưa là gì cả.
-----------------------------------------------

Nặc danh

About Nặc danh

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :