Những hình ảnh trái ngược của học sinh
trường ta và học sinh trường tây không phải mới mẻ. Đáng nói là
bất chấp nhiều nỗ lực giảm tải, điều này vẫn tồn tại kéo
dài nhiều năm.
Trường ta
Hình ảnh quen thuộc tại các cổng trường ta: học
sinh đến lớp mang vác rất nặng, nào là tập vở, sách giáo khoa và đồ dùng
học tập. Để giải phóng, giảm tải cho bờ vai các em học sinh, nhà
thiết kế đã biến cặp sách, túi xách thành vali có bánh xe, được kéo
lê từ cổng vào đến lớp học. Dấn sâu một chút, bước qua cổng trường, xa
xa dãy hành lang trước giờ lên lớp, dáng những người thầy khả kính, mục
kỉnh xề xệ trước mũi, áo quần thẳng nếp, cà vạt sáng chói, giày tây bóng
loáng. Thầy cũng không khỏe hơn học trò mình bao nhiêu! Hành trang lên
lớp là chiếc cặp phồng to hoặc giỏ xách nặng trĩu không thua gì những
kiện hàng được tài xế taxi lấy ra từ cốp xe sau mỗi đợt tham quan hè.
Trong đó nếu không kể giáo án, sách giáo khoa và chiếc micro thì đồ dùng
dạy học cũng chiếm vị trí khá quan trọng trong việc giảng dạy.
Nói đến đồ dùng dạy học quả thật rất ư là lỉnh kỉnh.
Thầy cô giáo tay xách nách mang không thua gì nhân viên hậu đài chạy
cảnh sân khấu. Chiếc đàn organ to gấp đôi tấm lưng cô giáo trẻ mới ra
trường dạy nhạc. Cô giáo dạy vật lý cao không quá 1,5m lại bưng nguyên
một khay đồ dùng thí nghiệm. Phòng học rải đều từ dưới đất vươn lên tầng
ba, phòng đồ dùng dạy học tọa lạc ngay tầng trệt. Vô phúc thầy cô nào
gặp phải thời khóa biểu oái oăm: tiết một ôm đồ lên lầu ba, tiết hai khệ
nệ mang vác xuống tầng một, trong khi thời gian chuyển tiết chỉ có năm
phút.
Trường tây
Trường tây ở đây được hiểu là trường có yếu tố
nước ngoài tại TP.HCM. Học sinh đến trường trễ hơn trường ta một giờ,
ung dung bước xuống xe quảy balô, trong đó chỉ có quần áo bơi khi có
giờ thể dục, hoặc đôi giày đá banh và một vài cuốn vở làm bài tập ở
nhà vì tất cả sách giáo khoa đều để lại lớp. Thầy giáo cũng tươm tất như
thầy giáo ta, cũng mang cặp nhưng trong cặp vỏn vẹn chiếc laptop nếu kể
thêm chi tiết là cái USB khi cần để di chuyển sang lớp khác, đôi lúc
chẳng cần đến laptop vì phòng học nào cũng có máy tính để bàn,
projector, screen… Tất cả chỉ có thế.
Vào những giờ học nhạc, học thể dục hay thí nghiệm, học
sinh chỉ việc di chuyển khỏi lớp đến phòng bộ môn. Tóm lại thầy trò
chẳng phải mang vác gì cả. Lớp học giống như sân khấu có thể thay đổi vị
trí bàn ghế chỗ ngồi cho phù hợp với tiết học theo yêu cầu của giáo
viên bộ môn. Gọi là lớp học cũng được, gọi là phòng nghe nhìn cũng không
sai, đôi khi lại biến thành nơi tập dượt văn nghệ. Có học sinh thèm đến
lớp hơn ở nhà, nếu phải nghỉ học thường là các em đi du lịch nước ngoài
cùng gia đình…
Từ năm 1975 đến nay ngành giáo dục đã nhiều lần
tiến hành cải cách và thay sách. Sau mỗi lần như vậy, ai cũng mong
mỏi lần sau tốt hơn lần trước, đáp ứng đúng mục đích cải sửa là nhằm
dạy con người ngày một tốt hơn. Thế nhưng, tình trạng một kiến thức lại
dạy ở nhiều môn khác nhau; bài tập, câu hỏi không phù hợp trình độ, tâm
sinh lý lứa tuổi; kiến thức không phù hợp đặc thù của địa phương; cấu
trúc bài tập sắp xếp không hợp lý… vẫn chưa thể chấm dứt.
Mong rằng lần thay đổi, cải cách này sẽ là một cú đột
phá để chữa dứt điểm căn bệnh trầm kha đeo đẳng ngành giáo dục từ bấy
lâu nay.
-----------------------------------------------