Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Sở GD&ĐT Hà Nội ra quy định tạm thời về điều kiện tuyển sinh lớp 10

Lãnh đạo các trường THPT dân lập tại Hà Nội lo lắng với quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội dừng tuyển sinh tạm thời đối với các trường chưa chuyển đổi sang tư thục.
Sở GD&ĐT Hà Nội vừa ban hành quy định tạm thời về điều kiện tuyển sinh lớp 10 năm học 2014-2015.
Theo đó, yêu cầu các trường có trách nhiệm thực hiện và tự kiểm tra đánh giá dựa trên 5 tiêu chuẩn: tổ chức bộ máy và đội ngũ; cơ sở vật chất; công tác chuyên môn; tài chính và tuyển sinh.
Văn bản mà Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra cho rằng, theo Luật Giáo dục hiện nay không còn loại hình trường THPT dân lập, nếu cơ sở giáo dục nào trên địa bàn chưa chuyển đổi sang loại hình tư thục sẽ không được tuyển sinh.
Chậm chuyển đổi vì còn chờ nước ngoài
Trước quy định này, mặc dù chỉ là tạm thời nhưng lãnh đạo nhiều trường THPT dân lập trên địa bàn đã bày tỏ lo lắng và không hài lòng.
Ông Nguyễn Văn Cường – Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Herman Gmeiner  Hà Nội cho biết, qua quan sát của ông thì hầu hết các trường THPT dân lập đã chuyển đổi sang loại hình tư thục (TT), chỉ những trường có yếu tố nước ngoài như trường ông thì phải chờ cơ quan chủ quản.
Vẫn đang loay hoay chưa biết chuyển đổi từ loại hình dân lập sang tư thục có yếu tố nước ngoài sẽ như thế nào, vấn đề này phải chờ, trước hết là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, bởi các trường liên quan tới tổ chức quốc tế trực thuộc Bộ này.
Học sinh thi vào lớp 10 các trường THPT dân lập tại Hà Nội có bị ảnh hưởng bởi quy định của Sở GD&ĐT?
Ông Cường cũng bày tỏ, nếu đoàn của Sở GD&ĐT xuống kiểm tra thì trường cũng phải trình bày chuyện này với Sở, đoán trước có thể Sở có quan điểm của Sở.
Trong tình huống xấu nhất trường không được tuyển sinh lớp 10 trong năm nay, nhất định sẽ ảnh hưởng tới công việc của trường, sẽ có đảo lộn đáng kể.
Theo lãnh đạo Trường THPT dân lập Herman Gmeiner, với những năm trước trường chỉ tuyển được 2 lớp với khoảng 70 học sinh, lượng học sinh không được nhiều nên năm nay gặp khó khăn trong việc chuyển đổi, hy vọng Sở GD&ĐT châm chước. Bởi thực tế, trường này chủ yếu đón học sinh mồ côi trong làng trẻ SOS.
“Tôi nghĩ chắc cũng không có vấn đề gì, vì thực tế không chỉ riêng trường tôi mà còn cả hệ thống 15 trường trong toàn quốc dùng ngân sách của nước ngoài nên do vậy đều có tên dân lập hết, nếu phải chuyển thì cần có sự đồng ý của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thủ tục này tương đối lâu” ông Cường trao đổi.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hà Động – Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Hà Nội nói, vấn đề chuyển đổi sang tư thục Sở cũng phải có thời hạn để các trường hoàn thành, chứ không nên làm ngay một lúc. Thực chất, theo ông Động vấn đề này  chưa có hướng dẫn nhất quán, xuyên suốt nên mỗi nơi làm một cách.
“Từ trước tới nay người ta vẫn nói trả lại tên cho đúng với các trường, thực ra các trường mà mình gọi là dân lập là gọi theo lối hành chính, bao cấp ngày trước, nhưng thực chất đã là chuyển đổi rồi” ông Động cho biết.
Đợi xét hồ sơ có khi tới cả năm
Trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Hà Động cho biết, Trường THPT dân lập Hà Nội được thành lập từ năm 1997, trải qua ngần ấy năm thì điều lệ cho các trường ngoài công lập có nhiều thay đổi, lí do để chậm chuyển đổi trong những năm đó là không có bộ phận hướng dẫn xuyên suốt, nhất quán, mà chỉ đề ra những yêu cầu.
Theo ông Động, hiện nhà trường đang làm hồ sơ để được chuyển đổi, tuy nhiên ý kiến cuối cùng có chấp nhận hay không lại nằm ở UBND thành phố.
“Hành chính mình nhiều việc nên hồ sơ thường từ lúc nộp tới khi được duyệt có khi kéo dài tới hàng năm, thủ tục rất rườm rà, thực chất trường vẫn hoạt động bình thường đúng theo trình tự, theo quy chế, nhưng hành chính chúng ta rườm rà và hơi quan liêu” ông Động thẳng thắn.
Trao đổi thêm, ông Động cho biết việc xét này Sở GD&ĐT cũng nên căn cứ vào tính đặc thù của các trường. Vì các trường được thành lập sau này có tôn chỉ hơi khác, có thể nặng về kinh tế, cho nên nhiều trường làm đúng quy trình, đúng tên gọi nhưng vẫn đổ vỡ, trường THPT dân lập Phương Nam vừa qua là một ví dụ.
“Nên xem thực chất của vấn đề, thủ tục hành chính cũng nên bớt rườm rà để giúp cơ sở khắc phục thì hay hơn. Chứ còn định hết ngày này tới ngày kia, tạo nên áp lực cho cơ sở và tạo nên xin – cho thì nặng nề quá. Thực chất là nên căn cứ vào người học và người dạy và chất lượng của nhà trường thì tốt hơn” ông Động nói.
Bày tỏ quan điểm của mình, ông Vũ Thế Ngọc – Chủ tịch HĐQT Trường THPT dân lập Đông Nam Á (Hà Nội) cho biết, trường ông khó khăn thì nhiều, trước hết là không có tiền, không có tiền thì việc làm dịch vụ chuyển đổi sẽ rất khó. Chính vì vậy từ năm 2011 trở lại đây trường không tuyển sinh được một học sinh nào.
“Chính tôi (trường) đang vướng vấn đề tiền, chứ không năm trước trường đã chuyển đổi xong. Trường tôi làm thủ tục xong rồi nhưng vẫn “om” ở trên, chúng tôi có thì làm mà không có thì thôi, khó khăn quá chúng tôi cũng không cần.

Chúng tôi cũng không cần tuyển, mặc dù mở trường ra để tuyển sinh nhưng với điều kiện như thế chúng tôi không có sức làm. Nhiều trường có tiền họ làm được, nhưng chúng tôi không làm thế, tiền có thể có nhưng chúng tôi để đầu tư. Chúng tôi làm giáo dục suốt cuộc đời, chúng tôi quá hiểu” - ông Ngọc ngán ngẩm.
Trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Hiệp Thống – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, việc Sở ra quy định tạm thời này là thực hiện kế hoạch hàng năm mỗi khi triển khai công tác tuyển sinh.
Cùng với đó, đây là thực hiện yêu cầu của Bộ GD&ĐT, đã tuyển sinh thì phải đầy đủ về cơ sở vật chất để đảm bảo dạy học. Ông Thống nói, nếu các trường dân lập kêu khó, đặc biệt hay như thế nào đó thì có thể liên hệ trực tiếp về sở.
-----------------------------------------------

Nặc danh

About Nặc danh

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :