Từ khi ngành giáo dục áp dụng kỷ luật tích cực đối với học sinh vi phạm nội quy, việc phạt học sinh có nhiều thay đổi.
Viết tự kiểm: Đây là hình thức đầu tiên và cũng là xưa
cũ nhất. Đi muộn, áo quần không đúng quy định, nam sinh để tóc dài, nữ
sinh nhuộm đầu, sử dụng son phấn, nghe điện thoại trong giờ học.... là
phải viết tự kiểm. Viết mãi các em đâm lờn vì chẳng có hiệu quả. Có học
sinh phấn khởi vì được nghỉ tiết học và cùng hàng chục bạn khác lên văn
phòng viết tự kiểm!
Dù nhà trường thông báo nếu viết tự kiểm ba lần trong
tháng học sinh sẽ phải bị hạ bậc hạnh kiểm, nhưng xem ra kết quả chưa
như mong muốn. Nội dung tờ tự kiểm chỉ vẻn vẹn mấy dòng không nói lên
được nhận thức đúng sai của người viết về vi phạm của bản thân, chưa nói
thời gian hoàn thành chỉ trong vài phút để nộp cho xong. Vì vậy, cuối
học kỳ có giáo viên chủ nhiệm được giao lại hàng trăm tờ tự kiểm của học
sinh lớp mình để đọc trước khi xếp loại hạnh kiểm. Nhưng cũng không thể
hạ hạnh kiểm nhiều em được vì sẽ không đạt chỉ tiêu trường giao. Học
sinh vi phạm biết chắc sẽ viết tự kiểm nên khi thấy thầy cô xuống lớp
liền tự động lấy giấy bút ra kèm câu hỏi: Viết tự kiểm hả cô? Và sau
thời gian cho viết tự kiểm hàng loạt như vậy mà không có hiệu quả, việc
vi phạm nội quy cứ xảy ra, nhà trường chuyển sang hình thức mới.
Cảnh cáo dưới cờ: Đây là phần không thể thiếu trong
buổi sinh hoạt đầu tuần nhằm thông báo đến học sinh toàn trường về những
vi phạm của cá nhân nào đó. Thường là các em đã viết tự kiểm quá nhiều
lần mà vẫn không tiến bộ hay do có sai phạm quá lớn cần nhắc nhở ngay.
Nhưng cách làm này cũng không mang đến hiệu quả giáo dục cao, các em
bước ra sân trường mà vẫn tươi cười hồn nhiên như không có lỗi gì cả.
Các học sinh khác cũng chưa thấy được lỗi lầm của bạn để tự rèn luyện
bản thân, đôi khi ngầm thán phục! Học sinh nào yếu bóng vía hơn thì nghỉ
tiết chào cờ hôm đó. Thế là nhà trường chỉ biết phê bình chay vì không
có mặt học sinh vi phạm.
Chép phạt: Đối với thầy cô bộ môn, để khỏi phải vướng
vào “những điều giáo viên không được làm” mà điều lệ trường phổ thông đã
quy định, một hình thức phạt được áp dụng là yêu cầu học sinh chép
phạt. Nội dung chép có thể là bài học mà học sinh không thuộc, bài tập
chưa hoàn thành, điều nội quy làm chưa đúng. Có em phải chép mươi lần
bài học, thậm chí có thầy cô cho học sinh chép hàng nghìn lần một định
lý trong toán học hay đơn giản hơn chỉ là lời cam kết: “Em không nói
chuyện trong giờ học”. Để hoàn thành công việc được giao, có em phải lấy
giờ môn học khác ra mà chép. Thầy cô giờ đó phát hiện, thế là lại tiếp
tục chép phạt bài khác. Rồi khi kiểm tra bài, các em lại viện lý do: bận
chép phạt nộp cho thầy A, cô B gì đó... là an toàn. Cuối cùng, với số
lần chép phạt khủng khiếp kia, các em cũng hoàn thành nhưng không hiểu
bài vẫn là không hiểu, vi phạm vẫn là vi phạm, chỉ có thầy cô là thỏa
mãn sự tức giận của mình. Thay vì hướng dẫn các em học tập, các thầy cô
áp dụng việc phạt nhưng như thế không mang lại hiệu quả gì. Chưa nói
phạt các em chép hàng nghìn câu như đã nói là phản sư phạm vô cùng.
Nộp phạt: Có lớp, thầy cô chủ nhiệm đề ra quy định: học
sinh vi phạm nội quy, bị viết tự kiểm sẽ phải nộp một số tiền hay hiện
vật như tập, sách cho lớp. Số tiền, hiện vật này sẽ dùng thưởng cho các
bạn có thành tích cao trong học tập và phong trào hằng tháng của lớp!
Một giáo viên trẻ cho biết có tháng lớp thu được hàng trăm quyển tập từ
học sinh như thế. Và để có nguồn thu ổn định, dồi dào, ban cán bộ lớp
ráo riết ghi nhận các trường hợp vi phạm, báo cáo giáo viên chủ nhiệm.
Học sinh khi có lỗi, vô tư nộp phạt xong là yên chuyện, không nghe nói
gì đến chuyện phấn đấu, rèn luyện. Việc một học sinh nộp phạt nhiều lần
trong tuần không phải là hiếm.
Nhưng cũng có em kiên quyết không chép phạt, không nộp
phạt, giáo viên phải chào thua vì sợ các em bỏ học lại mất công đến nhà
mời học lại. Học sinh vô tình mong muốn bạn bị phạt nhiều để phần thưởng
cuối tháng được tăng lên. Học sinh bị phạt xem đây là biện pháp khắc
phục chứ không cần nỗ lực vươn lên để tiến bộ.
Cách ly: Một số thầy cô xem việc cách ly các học sinh
chậm tiến là hữu hiệu nhất. Các em này cứ đến giờ học là phải ngồi riêng
ra, thường là dồn vào cuối lớp. Lý luận của các thầy cô theo phương
pháp này là “thà hi sinh một nhóm còn hơn cả lớp tiêu tùng”. Các học
sinh này càng quậy bạo vì biết không còn hi vọng gì, hơn nữa cuối năm
vẫn được lên lớp!
Phụ huynh học sinh thấy thầy cô không đánh mắng con em
là hài lòng. Nhà trường không mang tiếng với địa phương, thầy cô không
bị phê bình, học sinh cứ tuần tự lên lớp và như thế mang theo cả những
sai lầm trong hạnh kiểm, những lỗ hổng trong kiến thức.
Việc giáo dục học sinh cần lắm sự hợp tác của gia đình
các em. Những hình phạt như đã nói cho thấy phần nào hạn chế của người
thầy khi thấy các em sai sót. Đến lúc các em không còn bận tâm gì về
chuyện thưởng phạt nữa, cái sai trong các em sẽ khó mà khắc phục.
-----------------------------------------------