Hai
thay đổi lớn trong tuyển sinh năm nay là các trường được quyền tuyển
sinh riêng - mỗi trường được tuyển sinh tối đa 2 lần/năm và tăng đối
tượng ưu tiên, siết ưu tiên khu vực. Đây là nội dung chính trong Thông
tư sửa đổi bổ sung một số điều trong Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy
năm 2014 Bộ GD-ĐT vừa công bố.
Ngoài hai điểm trên, trong quy chế đã
thay thế điểm sàn bằng tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào và điều chỉnh
một số điều liên quan đến thanh tra tuyển sinh cũng như một số chế tài
đối với các hành vi vi phạm quy chế tuyển sinh.
Mỗi trường tuyển sinh tối đa 2 lần/năm
Luật Giáo dục đại học và Nghị quyết 29
đều nói rõ việc giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các nhà trường – "Cơ
sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu
trách nhiệm về công tác tuyển sinh”, nên đưa các quy định tự chủ tuyển
sinh vào Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay phù hợp quy định hiện hành.
Theo Thông tư sửa đổi một số điều của
Quy chế vừa công bố, những trường có đề án tuyển sinh riêng phù hợp với
các quy định của Bộ sẽ được tự chủ tuyển sinh. Thông tư cũng quy định
những yêu cầu về cấu trúc và nội dung của đề án tự chủ tuyển sinh do các
trường xây dựng.
Hiện có 64 trường ĐH, CĐ gửi đề án tự
chủ tuyển sinh về Bộ. Sau khi ban hành Thông tư này ngày 15-3 tới Bộ sẽ
công bố các đề án phù hợp với qui chế để các trường triển khai thực
hiện.
Các trường tổ chức tuyển sinh riêng có
thể kết hợp xét tuyển những thí sinh dự thi kỳ thi chung có kết quả thi
đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy
định... Song hàng năm các trường có chỉ tiêu tuyển sinh chỉ tổ chức tối
đa hai lần tuyển sinh, với các phương thức thi tuyển, xét tuyển hoặc kết
hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.
Đối với các trường tuyển sinh theo kỳ
thi chung, Bộ GD-ĐT quy định cụ thể thời gian tuyển sinh. Bộ tổ chức
biên soạn đề thi tuyển sinh dùng chung cho các trường, song Giám đốc các
ĐH, học viện, Hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ sử dụng đề thi chung của Bộ
chịu trách nhiệm tổ chức sao in, đóng gói đề thi (nếu được Bộ GD&ĐT
giao nhiệm vụ), bảo quản, phân phối, sử dụng đề thi; tổ chức kỳ thi;
chấm thi và phúc khảo; xét tuyển và triệu tập thí sinh trúng tuyển;
Các trường tuyển sinh ngành năng khiếu
thì các môn năng khiếu do các trường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện
các khâu: ra đề thi và chấm thi, các môn văn hoá thi theo đề thi chung
của Bộ.
Các trường không tổ chức thi tuyển
sinh được sử dụng kết quả thi tuyển sinh theo đề thi chung của thí sinh
cùng khối thi, trong vùng tuyển quy định của trường để xét tuyển.
Bỏ điểm sàn, tăng chế tài xử phạt
Năm nay bỏ điểm sàn nên căn cứ kết quả
thi của thí sinh, Bộ sẽ xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào để
các trường xét tuyển vào học ĐH, CĐ đối với từng khối thi, từng ngành
đào tạo.
Trên cơ sở đáp ứng các tiêu chí đảm
bảo chất lượng do Bộ GD&ĐT quy định, chỉ tiêu tuyển sinh đã xác
định, các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm việc xét tuyển. Các trường
có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển mà thời hạn kết thúc việc xét tuyển
đối với trường ĐH là ngày 31-10 hàng năm và 15 -11 đối với trường CĐ.
Thông tư sửa đổi có bổ sung quy định
cảnh cáo hoặc có hình thức kỷ luật cao hơn đối với Hiệu trưởng hoặc Chủ
tịch Hội đồng tuyển sinh và những người khác liên quan nếu gửi giấy
triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào
trường; Xác định điểm trúng tuyển không đáp ứng tiêu chí đảm bảo chất
lượng do Bộ GD&ĐT quy định; Tuyển sinh những ngành chưa được giao
nhiệm vụ mở ngành; Xác định sai chỉ tiêu tuyển sinh so với quy định và
tuyển sinh vượt chỉ tiêu.
Việc sửa đổi này, theo Thứ trưởng Bùi
Văn Ga là để thực hiện việc xác định các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu
vào phù hợp hơn với yêu cầu tuyển sinh của các trường, thay thế tiêu
chí đơn nhất là điểm sàn như những năm trước đây.
Điểm mới ưu tiên
Chính sách ưu tiên tuyển thẳng Bộ
GD-ĐT giữ ổn định như năm 2013, chỉ điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung về đối
tượng ưu tiên và một số mức ưu tiên để đảm bảo sự công bằng giữa các đối
tượng ưu tiên.
Cụ thế bổ sung đối tượng ưu tiên như
người khuyết tật nặng được cộng thêm 1 điểm, chỉ những thí sinh (TS) có
hộ khẩu tại các xã đặc biệt khó khăn theo quy định mới được hưởng ưu
tiên 1, TS dân tộc thiểu số thuộc nhóm đối tượng ưu tiên 2, TS là quân
nhân, công an nhân dân hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đã xuất ngũ có thời
gian phục vụ từ 18 tháng trở lên thuộc nhóm đối tượng ưu tiên 3…
Lãnh đạo Bộ cho biết thời gian nộp hồ
sơ đăng ký dự thi năm nay bắt đầu từ ngày 17/3. Trong thời gian từ 17/3
đến 17/4, TS nộp hồ sơ tại trường THPT, TS tự do nộp tại địa điểm do Sở
GD&ĐT quy định. Từ ngày 18 đến 29/4, TS tiếp tục nộp hồ sơ tại
trường ĐH, CĐ.
Khoảng 17-3 các TS sẽ có tài liệu và
mẫu hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm nay với một số điều chỉnh nhỏ, ở mục
2 có thêm một dòng để đăng ký vào các trường tuyển sinh riêng.
-----------------------------------------------