Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

Đãi vàng trong bãi truyền hình thực tế

Việc công bố tuyển thí sinh cho mùa thi thứ hai ngay trong đêm chung kết trao giải cuộc thi Giọng hát Việt - The Voice hôm 13-1 đủ để thấy rằng các cuộc thi/sân chơi truyền hình thực tế vẫn đang ăn nên làm ra và đầy sức hút.
Ya Suy đăng quang Vietnam Idol mùa thứ 4 hôm 2-1. Đây vẫn là cuộc thi thuần về giọng ca, ít có chiêu trò
Sau 3 đêm thi, Cặp đôi hoàn hảo 2013 vẫn chưa gây được ấn tượng như mùa đầu tiên
Không chỉ ca hát, không chỉ dành cho thanh thiếu niên, các chương trình truyền hình thực tế ngày càng rộng mở ở nhiều loại hình nghệ thuật và dành cho nhiều độ tuổi khác nhau...
Mót "vàng" ở những cuộc thi hát
Tuy Giọng hát Việt là cuộc thi đầu tiên chiêu sinh cho mùa chơi năm 2013 nhưng lên sóng truyền hình sớm nhất lại là Cặp đôi hoàn hảo - Just the two of us. Với hình thức một ca sĩ đã thành danh hát cặp với một nhân vật nổi tiếng ở những lĩnh vực khác, Cặp đôi hoàn hảo mùa thi đầu tiên (2012) đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý và phản hồi tích cực từ khán giả.
Chiến thắng của cặp đôi Đoan Trang - Trấn Thành cũng làm hầu hết khán giả xem chương trình hài lòng. Thế nhưng ở mùa thi thứ 2-2013, Cặp đôi hoàn hảo sau 3 tuần lên sóng vẫn khá "chìm". Sân chơi cho vui này hẳn đang rơi vào "vết xe cũ" của Bước nhảy hoàn vũ. Bởi suy cho cùng, những "ngôi sao" thực thụ, có tài lẻ, có duyên trước ống kính ở VN không nhiều. Vậy nên những sân chơi dựa vào hào quang của người nổi tiếng như Bước nhảy hoàn vũ hay Cặp đôi hoàn hảo cũng không dễ níu mắt khán giả truyền hình từ mùa này sang mùa khác, nhất là khi khán giả có quá nhiều sự lựa chọn như hiện nay.
Suy cho cùng, bạn xem đài vẫn "máu" hơn với những trò chơi mới, những nhân tố mới và những kết quả bất ngờ nhưng xứng đáng từ những cuộc thi/cuộc chơi trên truyền hình. Đó là lý do vì sao những cuộc thi như Idol ở một số nước có thể tồn tại được đến hơn chục năm.
Đơn giản vì năm nào họ cũng có những thí sinh làm nên sự khác lạ và mới mẻ cho cuộc thi. Nhưng ở Việt Nam, những cá nhân xuất chúng trong một lĩnh vực riêng biệt nào đó không thể nhiều như ở khu vực Bắc Mỹ, Anh, Trung Quốc và các nước nói tiếng Hoa (một phần vì dân số VN không bằng những khu vực trên, một phần vì hầu hết các "tài năng tiềm ẩn" của ta là tự phát chứ ít được qua đào tạo bài bản).
Thần tượng âm nhạc Việt Nam - Vietnam Idol chỉ qua ba lần "đãi vàng" đã chẳng thể tìm thấy thêm chút "bụi vàng" nào ở mùa thi thứ 4 -2012 (vừa kết thúc hôm 1-2) . Nhưng tình yêu ca hát và khát khao được trở thành ca sĩ nổi tiếng với cát-sê lên tới vài ngàn đô la Mỹ/sô chỉ sau vài tháng thi thố của nhiều công dân VN thì lại quá dư thừa. Thừa đến mức, bất kể cuộc thi ca hát nào tuyển thí sinh cũng có người đăng ký dự thi, từ những sân chơi khá cũ như: Tiếng hát truyền hình, Sáng bừng sức sống, Ngôi nhà âm nhạc, Sao Mai - Điểm hẹn... cho đến những cuộc chơi thời thượng như: Thần tượng âm nhạc, Giọng hát Việt (năm nay sẽ có thêm X-Factor)...
Mỗi cuộc thi đều có những định dạng, quy định, yêu cầu riêng nhưng thí sinh thì quanh đi quẩn lại chỉ từng ấy gương mặt. Vậy nên không có gì đáng ngạc nhiên khi có những giọng ca từng bị đánh rớt từ vòng bán kết của cuộc thi A lại đoạt giải cao ở cuộc thi B và ngược lại, mà Uyên Linh, Văn Mai Hương, Tiêu Châu Như Quỳnh, Bùi Anh Tuấn, Ngọc Luân, Xuân Nghi, Hương Tràm... là những ví dụ. Từng đó gương mặt thí sinh quen thuộc vờn qua vờn lại các cuộc thi hát riết khiến khán giả cũng ngán ngại.
Nhưng được nghe và xem hát cũng là nhu cầu lớn của khán giả Việt. Vậy nên khi thấy khán giả bắt đầu ngán nghe thanh niên hát thì các nhà sản xuất chuyển qua giới thiệu các giọng hát nhí trong sân chơi Đồ Rê Mí, các giọng hát tuổi teen trong Tiếng ca học đường (năm nay sẽ có thêm Giọng hát Việt nhí - The Voice Kids dành cho lức tuổi từ 9 đến 15), các giọng hát xế chiều trong Tiếng hát mãi xanh… Thậm chí còn có cuộc thi mang tên Gia đình tài tử mời gọi được cả chục giọng ca trong những gia đình "tứ đại đồng đường" yêu ca hát lên sân khấu so tài.
Hết "vàng" thì đãi gì đây?
Mỏ vàng thi ca hát khai thác hoài cũng đến hồi chán chê. Nhưng khán giả truyền hình xem ra vẫn còn mặn mà với cái gọi là truyền hình thực tế lắm! Vậy nên hàng loạt sân chơi truyền hình thực tế liên quan đến các ngành nghề, kỹ năng khác đã kịp thời xuất hiện. Tất cả đều "nóng hừng hực" từ mùa thi đầu tiên: Người mẫu Việt Nam - Vietnam’s Next Top Model (thi tìm người mẫu), Tìm kiếm tài năng Việt Nam - Vietnam’s got talent (thi đủ thứ tài lẻ như: ca hát, nhảy múa, đàn, ảo thuật...), Thử thách cùng bước nhảy - So you think you can dance (thi tìm vũ công), Vua đầu bếp - Master’s Chef, Siêu đầu bếp - Iron Chef (thi tìm đầu bếp), VJ Camp (thi tìm người giới thiệu các video clip trên truyền hình), Người dẫn chương trình truyền hình...
Hầu hết các cuộc thi này đều đã "chào sân" đôi ba năm nhưng chỉ thành công rực rỡ ở một hai mùa thi đầu tiên vì thiếu các "tài năng", các "hạt giống" tốt ở những mùa thi tiếp theo. Và những nhà sản xuất lại tiếp tục cung cấp các sân chơi mới ở những lĩnh vực khác hòng làm thỏa mản nhu cầu của khán giả lẫn nhu cầu lấp vào chỗ trống những chương trình không còn "hot" của mình. Như nhà sản xuất Multi-Media ưu tiên giới thiệu cuộc thi mới mang tên Nhà thiết kế Việt Nam - Project Runway (www.projectrunway.com.vn) trước hai cuộc thi quen thuộc của công ty này là Đồ Rê Mí Vietnam’s Next Top Model. Trong khi đó, công ty Cát Tiên Sa cũng đôn Giọng hát Việt nhí - The Voice Kids (www.gionghatvietnhi.com.vn hay www.gionghatvietnhi.vtv.vn) lên trước Tiếng ca học đường quá nhàm chán.
Chưa biết sân chơi nào, liên quan hay không liên quan đến yếu tố có ca hát, sẽ "nóng" nhất trong mùa chơi 2013. Chỉ chắc chắn rằng những chương trình truyền hình thực tế kể trên sẽ tràn ngập trên sóng truyền hình vào khung giờ đẹp (từ 20g trở đi) thay cho gameshow hay phim truyền hình của những năm trước. Và dù chất lượng hay không, khán giả cũng sẽ nhâm nhi và bàn tán về "món ăn" truyền hình thực tế còn tương đối hợp thời thế với nhiều "mùi vị" khác nhau, lắm kịch tính này để "giết" thời gian lẫn tiết kiệm chi phí ra ngoài giải trí trong thời buổi kinh tế khó khăn này.

Nặc danh

About Nặc danh

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :